Năm 2015 có hơn 800.000 người muốn xin tị nạn tại Đức. Toàn bang Niedersachen nhận khoảng 75.000 đơn xin tị nạn lần đầu. Khu vực dự án Netwin 3.0, do Oldenburg triển khai (gồm thành phố Oldenburg vùng Oldenburg, vùng Ammerland và thành phố Delmenhorst), tiếp nhận 4.500 đơn. Việc sắp xếp chỗ ở, triển khai học tiếng Đức được nhiều đơn vị phối hợp với thành phố Oldenburg thực hiện. Netwin 3.0 đã giúp đỡ hơn 500 khách hàng là người tị nạn chủ yếu đến từ Syria, Iran, Iraq, Somalia, Eritrea…
Lê Thị Việt Thu cùng chồng và con gái sang học tập, định cư tại Oldenburg. Làm việc cho Netwin 3.0 như một mối duyên bởi cô từng công tác tại Sở LĐTB-XH Hà Nội, mảng quản lý đào tạo nghề. Việt Thu nhớ lại: “Trong lúc tìm nguồn kinh phí cho khóa học về tư vấn đào tạo, tôi tình cờ gặp cán bộ Netwin 3.0 đang tiến hành những hoạt động đầu tiên của dự án này. Sau khi phỏng vấn xin kinh phí gần một tiếng đồng hồ, tôi bị từ chối vì không đúng đối tượng. Tuy nhiên, cửa này đóng cửa khác lại mở. Tôi được đề nghị làm minijob cho dự án tại Oldenburg, phụ trách phần dữ liệu khách hàng. Không lâu sau đó, tôi được giao thêm nhiều việc chuyên môn. Qua quá trình công tác, Oldenburg đồng ý ký hợp đồng chính thức với tôi để thực hiện dự án”.
Việt Thu từng đi học, công tác tại nhiều nước châu Âu, châu Á và Canada. Việc tiếp xúc với người nước ngoài đủ màu da, nhiều phong cách khác nhau không là trở ngại với cô. Đó cũng là thuận lợi để Việt Thu bắt tay thực hiện các hoạt động thiết thực của Netwin 3.0 như giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, thực tập (tại doanh nghiệp, văn phòng, trường học); tư vấn tiếp cận và tham gia thị trường lao động, xin giấy phép lao động, hướng dẫn đăng ký các chương trình hỗ trợ lập nghiệp của Oldenburg; tư vấn sơ bộ và cung cấp thông tin cần thiết đầu tiên về học tiếng Đức, điều kiện được đi làm, trường học cho trẻ em, cho người đang làm hồ sơ xin tị nạn và con cái của họ tại trại tiếp nhận tạm thời ở Oldenburg...
Cuối 2015, thành phố Oldenburg và vùng Oldenburg, cùng một số địa phương lân cận thành lập tổ chức phi lợi nhuận Pro:Connect. Tổ chức này có sự tham gia về chuyên môn của Sở Ngoại kiều (nơi quản lý giấy tờ lưu trú người nước ngoài), cơ quan quản lý lao động, cơ quan giới thiệu việc làm, Netwin 3.0, Phòng Thương mại và Công nghiệp, cơ quan quản lý về thợ, các doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề. Từ đây việc kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng, người hảo tâm hỗ trợ kinh phí cũng hiệu quả hơn.
Việt Thu phân tích: “Mô hình thí điểm Pro:Connect này trước đây chưa có ở Đức. Đây là mô hình giúp giảm bớt nhiều thủ tục hành chính giúp người nộp đơn tị nạn. Cụ thể, Pro:Connect đã giúp hơn 800 khách hàng. Họ được hỗ trợ học tiếng Đức, từ A1 đến C1. Dựa trên nhu cầu và khả năng, người xin tị nạn được giới thiệu đi thực tập, làm việc tại các doanh nghiệp. Một số lượng lớn khách hàng tham gia học nghề mô hình đào tạo kép: lý thuyết và tiếng Đức ở trường nghề, thực hành tại doanh nghiệp. Đến nay, gần 200 khách hàng có việc làm như vận hành máy ở công ty sản xuất vật liệu xây dựng, lái xe buýt, lái tàu bang Niedersachsen, nhân viên hiệu thuốc, trông trẻ, thu ngân siêu thị, nấu ăn trong bệnh viện, chăm sóc người cao tuổi, y tá, sửa chữa ô tô… Số lượng tham gia học nghề, học tiếp đại học là 350 người”.
Việt Thu đang là người gốc Việt duy nhất trong dự án Netwin 3.0 và Pro:Connect. Đồng nghiệp từ nhiều quốc gia khác nhau, nói nhiều ngôn ngữ, đảm bảo khách hàng đến được lắng nghe và giúp đỡ, không phụ thuộc phiên dịch. Cô cảm thấy rất vui trong môi trường làm việc này. “Thỉnh thoảng chúng tôi lên lịch ăn trưa tập thể tại cơ quan, luân phiên nấu thức ăn yêu thích của gia đình hoặc của nước mình. Món chả giò và phở Việt Nam nhận được nhiều yêu cầu mang đến. Những hoạt động này là cơ hội để hiểu công việc hơn và tình đồng nghiệp gần gũi hơn”.