Người viết trẻ sẽ kéo độc giả về mình

Văn học Việt Nam đang minh chứng có một đội ngũ tác giả trẻ khá hùng hậu và những đại diện tiêu biểu có mặt trong Hội thảo chuyên đề: Gặp gỡ các nhà văn trẻ vào ngày 6-1, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam.

Văn học Việt Nam đang minh chứng có một đội ngũ tác giả trẻ khá hùng hậu và những đại diện tiêu biểu có mặt trong Hội thảo chuyên đề: Gặp gỡ các nhà văn trẻ vào ngày 6-1, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam.

Trẻ đồng nghĩa với tiếp thu cái mới. Kinh tế thị trường đưa tới cho các cây bút trẻ những lăng kính mà họ có thể chọn lựa cho mình. Trong những luồng gió từ bên ngoài, một số người viết trẻ ngay lập tức tiếp nhận hàng loạt cái mới mà thế giới văn chương bốn phương ùa tới. Nhiều người thử nghiệm, bắt chước hoặc tìm tòi để sáng tạo ra một thứ gì đấy mang bản sắc riêng...

Nói riêng về thơ, thơ trẻ Việt Nam đã từng mang một số phàn nàn, thơ tắc tị, bí ẩn, rối rắm, hoang hóa... có lẽ cũng là đương nhiên và phần nào mang tính quy luật khi thai nghén cho một cái gì đấy mới.

Nữ nhà văn, nhà thơ trẻ người Mỹ Jenifer Fosenbell tâm sự trong diễn đàn: Đến với hội nghị và hội thảo này tôi thấy rất thú vị. Đây là dịp để tôi được học hỏi nhiều điều về Việt Nam, được trao đổi về văn chương cùng các bạn. Đã có nhiều ý kiến cho rằng nàng thơ Mỹ đã chết. Người ta đùa rằng, ở Mỹ hiện nay chỉ có các nhà thơ mới đọc thơ thôi. Tôi nghĩ cái khó của một nền thơ thì ở đâu cũng giống nhau, không riêng gì Việt Nam. Nhưng chúng ta không nên bi quan. Chính những người viết trẻ sẽ là những người kéo độc giả về phía mình.

Trao đổi về vấn đề trẻ cũng có những cách nhìn nhận, đánh giá rất khác nhau. Ngay trong không khí của chuyên đề về các nhà văn trẻ cũng đã hội tụ nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều ngôn ngữ khác nhau. Có nhà văn, nhà thơ rất trẻ đang là những cây bút sung sức, giàu chất sáng tạo của nền văn học Việt Nam đương đại. Nhưng, cũng có người tuổi đã cao mà bút lực lại không hề già... Và có thể nói ở Việt Nam hiện nay được cho là “trên trời dưới sách”. Những tác phẩm vừa gây được tiếng vang trên thế giới ngay lập tức đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Nhiều trào lưu, khuynh hướng, quan điểm văn chương vào nước ta như chủ nghĩa Hiện đại, Hậu hiện đại... cũng được các nhà văn trẻ áp dụng có sáng tạo mang sắc thái Việt Nam. Sự phong phú, đa giọng điệu của văn học trẻ hiện nay là lẽ đương nhiên. Lịch sử nền văn chương nước ta luôn tiếp thu, dung nạp cái mới để rồi tự chúng ta sáng tạo ra cái riêng cho mình...

Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu các tác giả trẻ hiện nay có kiên nhẫn để đi được những chặng đường dài? Lo ngại rằng đội ngũ người viết trẻ hôm nay khó lòng có được những tác phẩm để đời! Vì sao? Vì họ không đủ kiên nhẫn. Vì họ sống vội, sống gấp và quá say sưa với những hào nhoáng bề ngoài...? Nhà văn Võ Thị Xuân Hà khẳng định: Trong đời sống văn học, có thể có những người như vậy, nhưng hãy kỳ vọng vào lớp trẻ. Những cuộc giao lưu như thế này là cơ hội cho tất cả chúng ta. Để đổi mới, để học hỏi, tự làm trẻ hóa giọng điệu của văn chương, tăng sự sâu lắng già dặn bút pháp. Để giới thiệu được những tác phẩm xứng đáng của ta ra nước ngoài.

Nhà văn Mỹ Hilary Watts xúc động: Việt Nam là một nơi tuyệt vời, đẹp đẽ và đầy tài năng, một đất nước từng bị nhấn chìm trong quá khứ nhưng nay đã thay đổi và tăng trưởng nhanh chóng. Tôi đã chứng kiến quá khứ, sự tăng trưởng và những thay đổi đầu tiên được diễn tả qua những vần thơ mạnh mẽ và đầy cảm hứng của một thi nhân Việt Nam. Tôi tin rằng sự tiến bộ của đất nước các bạn sẽ được thể hiện rõ trong các tác phẩm hiện tại và trong tương lai của các nhà văn Việt Nam.

Cũng từ diễn đàn nhà văn, văn học trẻ tìm đường ra thế giới bên ngoài này, không khỏi có những băn khoăn, trăn trở, buộc chúng ta phải có những hành động cụ thể hơn nữa trên hành trình vươn ra biển lớn của văn học Việt Nam. Nhà văn, dịch giả Trung Quốc Điền Hiểu Hoa - nói tiếng Việt giỏi, tâm sự rất thẳng: Sách của Trung Quốc ở Việt Nam thật nhiều, tôi rất tự hào về điều đó và cảm ơn Việt Nam. Còn sách của Việt Nam ở Trung Quốc lại quá ít, đặc biệt là sách của những nhà văn trẻ. Ở Trung Quốc những người viết văn trẻ đông lắm, xuất hiện ồ ạt và đã gây nhiều ấn tượng tốt…

Dịch giả người Bỉ Paul Couturiau lại có câu nghi vấn, nền văn hóa văn học Việt Nam phải chăng đóng kín với độc giả nước ngoài! Và, ông lại khẳng định trên quan điểm cá nhân: Một nền văn học nghìn năm tuổi nhưng vẫn hết sức trẻ trung.

Tuy trẻ nhưng phải hay. Đó cũng là suy nghĩ của các nhà văn, dịch giả trong nước và nước ngoài tại cuộc giao lưu.

Nếu như sự điều khiển của chủ tọa, nhà thơ Trần Đăng Khoa và đoàn chủ tịch thiên về lắng nghe bạn nói hơn là chúng ta tự nói, chắc hẳn chúng ta sẽ biết được nhiều điều hơn cho việc giong cánh buồm con thuyền văn học Việt Nam ra khơi...

CAO MINH

 

Tin cùng chuyên mục