Tịnh xá Diệu Huệ (ngụ tại khu phố 4 phường Tân Tạo A, Bình Tân TPHCM) rộng khoản vài trăm mét vuông, hiện đang bị xuống cấp do xây dựng lâu năm. Tuy vậy, nơi đây lại là tổ ấm an lành cưu mang trẻ bất hạnh từ nhiều năm qua.
Chúng tôi đến thăm Tịnh xá Diệu Huệ vào một buổi chiều. Sau vài trận mưa những ngày trước, bên trong khuôn viên tịnh xá vẫn còn đọng vài vũng nước do phần nền thấp hơn mặt đường. Bước lên sân gạch đã thấy ni sư Thích Nữ Trí Diệu (71 tuổi) trụ trì, ngồi trên chiếc phản gỗ đang ôm một cháu trai chừng 3 tuổi trong lòng mình. Đứa bé trai kháu khỉnh cười nắc nẻ mỗi khi vị nữ tu cúi xuống hôn nựng lên má. “Hoàn cảnh Bu-ri tội lắm, mới có vài tháng tuổi đã bị cha mẹ mang đến bỏ trước cổng chùa. Cũng may phát hiện kịp chứ không thằng nhỏ chết vì khát sữa” - ni sư Trí Diệu ôm chặt lấy chú nhóc giọng buồn buồn.
Đặt cậu bé sang một bên, ni sư chỉ tay vào tốp các cháu thiếu niên, trẻ nhỏ nằm ngủ ngon lành trên chiếc giường lớn trong góc phòng nhỏ phía bên trái hiên tịnh xá, cho biết, các em đều có chung hoàn cảnh bất hạnh kém may mắn là: mồ côi, cha mẹ phạm pháp, bị vứt bỏ từ lúc mới lọt lòng. Một sư cô khác ngậm ngùi kể, đã vài lần chứng kiến cảnh các cháu sơ sinh bị bỏ nằm ngoài lề đường, bụi rậm, đồng cỏ… Có cháu chẳng may không ai phát hiện kịp đã chết do đói, do côn trùng xâm hại. Các cháu xấu số này đều được các sư thuê người chôn cất tử tế.
Đối với các cháu được chính các sư cô cất công đưa về và các cháu khác được người ngoài phát hiện đưa đến, ni sư Trí Diệu đều thông báo với công an khu vực và chính quyền địa phương xin cho làm giấy khai sinh và cam kết nhận nuôi nấng cho đi học chữ đến nơi đến chốn. Hàng ngày, các sư cô ở chùa phải lao động bằng nghề se nhang và sản xuất đèn cầy, bán cơm chay để có tiền nuôi dạy các cháu mồ côi. Có những lúc trở trời trẻ bị đau ốm liên miên, nhiều cháu ho, sốt cao, tiêu chảy…, ni sư Trí Diệu và các sư cô túc trực, chăm sóc ngày đêm kể cả khi ở trong bệnh viện.
Bưng chén cháo nóng cẩn thận đút từng muỗng cho một cháu nhỏ, sư cô Diệu Thanh chậm rãi tâm sự về trường hợp đau lòng của bé gái Trần Thị Bé Lộc (tên cháu do các sư đặt). Cách đây hơn 1 năm, những người đi làm ruộng ở khu vực phường Tân Tạo A, phát hiện cháu Lộc bị bỏ nằm trên lề cỏ cạnh chỗ cột bò. Nhận được tin báo, sư Trí Diệu và các sư cô tức tốc đi xuống tận nơi bồng cháu về chùa. Thấy cháu bị dị tật đầu to bất thường, ngày hôm sau một sư cô cùng vài phật tử đón xe đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 làm xét nghiệm. Tại đây, các bác sĩ cho biết chứng bệnh não úng thủy của cháu là chứng bệnh nan y, khó chữa trị lại càng không thể phẫu thuật can thiệp, may mắn lắm thì sống được vài tháng. Dù biết khó khăn nhưng sư Trí Diệu và các sư cô vẫn quyết định đem cháu về chăm sóc. “Nghe bác sĩ nói vậy cũng hồi hộp, tưởng đâu vài tháng cháu đi, nhưng ai dè sống được hơn 18 tháng qua. Giờ chỉ biết chăm sóc chừng nào cháu không vượt qua được nữa hẵng hay” - ni sư Trí Diệu tâm sự.
Thấm thoát gần 20 năm lặng lẽ với công việc phụng sự pháp bảo và “ươm mầm” cho đời chỉ bằng rau dưa đạm bạc, các trẻ bất hạnh được các vị sư nữ cưu mang đều khôn lớn, khỏe mạnh, học hành đàng hoàng. Nhiều em đã trưởng thành, ra đời tự kiếm sống; một số đã tìm được gia đình. Hiện tại, trong số hơn 10 em đang được nuôi dưỡng tại Tịnh xá Diệu Huệ chỉ có em Ngô Thị Khánh Nhàn (18 tuổi) đang học lớp 12 là lớn tuổi nhất, còn lại từ vài tháng tuổi đến trên 10 tuổi. Hàng ngày, ngoài việc học văn hóa tại trường, các em còn được các sư cô dạy thêm kiến thức về đạo làm người nhằm giáo dục lối sống trung thực, nhân hậu, biết yêu thương, chia sẻ giúp đỡ người khác ngay từ tấm bé.
Trước khi tiễn khách, ni sư Trí Diệu bày tỏ: “Do xây cất lâu năm, vật liệu giản đơn nên hiện tại tịnh xá đang xuống cấp. Những năm gần đây, năm nào mùa mưa tới cũng bị dột. Nhờ một số phật tử giúp đỡ, chúng tôi mới sửa lại một phần. Sắp tới hy vọng sẽ được các mạnh thường quân quan tâm hỗ trợ kinh phí để sửa chữa lại chỗ che mưa, che nắng cho tụi nhỏ”. Ước mơ tốt đẹp này chỉ có thể trở thành hiện thực khi có sự giúp sức của các nhà hảo tâm và sự chung tay của cộng đồng!
BÍCH PHƯỢNG