Người yêu người hơn qua những ngày hoạn nạn

Má Hà - “Mama tổng quản” của nhóm Chong Chóng Yêu Thương (một nhóm thiện nguyện) kể với tôi, Thái bị đau tay nên không chạy xe được, mà cần có người chạy xe máy để chở Thái cùng len lỏi trong mấy con hẻm, nơi ấy mới có nhiều người nghèo, cần nhận quà. Quà của nhóm má Hà là gạo, mì, cá hộp…

Mỗi phần trị giá 200.000 đồng, dành tặng những người lao động nghèo chật vật trong dịch Covid-19. Những phần quà được gom góp từ chính thành viên trong nhóm và đa số từ bè bạn, người thân của họ.

Tôi chỉ là phụ huynh trong lớp học nhạc Rơi, do những người con má Hà dạy, nhận lời chở Thái và bất ngờ từ những gì gặp dọc đường đi cùng Chong Chóng Yêu Thương. Bất ngờ với cả cách họ không chỉ trao quà mà còn trao yêu thương trong những ngày hè nóng xấp xỉ 35oC.

Thái vốn chạy Grab, một tai nạn nhỏ gần đây khiến cậu phải nối gân ngón tay. Tay phải Thái treo dây chằng, nẹp cố định, tay trái hết ôm mì rồi bê gạo, vẫy vẫy chào bà bán bánh cam, chị ve chai. Khẩu trang bịt kín mặt, nhưng đôi mắt Thái luôn lộ vẻ yêu thương, vui tươi mỗi khi trao quà.

Chạy Grab nên Thái rành hết hang cùng ngõ hẻm từng khu vực ở TPHCM, nơi nào đông bà con lao động nghèo. Cậu còn chỉ tôi cách phân biệt những người thực sự lam lũ, vất vả: “Dịch giã mà tầm này (12 - 13 giờ trưa) mà ra đường kiếm miếng ăn là cực lắm á chị”.

Thái kể với tôi, em chạy Grab nhưng còn có thể chăm sóc cây cảnh, hồi xưa còn phụ việc trong mấy đoàn hát cải lương, quay phim đám cưới… Biết nhiều việc nên dù chỉ học bổ túc thôi, nhưng em vẫn có thể tự tin xoay xở để làm nhiều việc. Chỉ cần chịu khó, chịu học nghề thì sẽ không sợ đói, kể cả khi dịch giã vậy. “Nhưng tụi em đi, vẫn thấy nhiều người khổ lắm, vì hoàn cảnh, vì sức khỏe… Họ càng thiệt thòi hơn, mình càng thương. Mà có khi tính họ kỳ lắm, nói chuyện có cáu gắt mình cũng tặng quà, vì họ vất vả quá mà, đáng thương hơn đáng giận”, Thái nói. 

Ngồi sau xe tôi, cách cả trăm mét, Thái đã nhận diện ra chị bán vé số, anh bán cà rem, bà mua ve chai… để báo trước cho tôi dừng xe tặng quà. Khen mắt Thái tinh, Thái nói: “Em chạy xe mà chị, với đi vầy riết, quen rồi”. Nhưng tinh nhất là nhìn những người yếu thế, Thái có thể xác định chính xác ai vất vả thật, ai chỉ hơi vất vả…

Trong nhóm Chong Chóng Yêu Thương có Alex cùng đi. Anh là bạn của Tú - một thành viên chung nhóm. Một anh Tây gầy khỏng, nhiệt tình ôm từng phần quà, cúi còng lưng xuống để gần hơn với bà con yếu thế. Dáng vẻ anh ấy hiện rõ sự đồng cảm. Đeo khẩu trang kín mít, nhưng anh chàng rất thân thiện cười chào, chuyện trò cùng những bạn bè chung nhóm. Buổi tối, về nhà, đọc Facebook của chị Ngân, một phóng viên là thành viên của nhóm, tôi mới biết, Alex là tổng giám đốc của một công ty nước ngoài ở Việt Nam.

Cùng đi với Alex có anh tài xế, nhiệt tình tới mức, trên đường đi nhìn thấy một chú đang chèo xuồng bé tí bắt cua, cá trên kênh, anh tìm cách đu người qua lan can của cây cầu nhỏ để đưa được quà đến tận người nghèo.

Thành phố mùa dịch giã, nhiều ngày má Hà cùng nhóm bạn trẻ chạy tới chạy lui hai vòng sáng - tối, có khi từ sáng tới tối lòng vòng trên từng con đường, con hẻm, tặng quà tới tận tay người nghèo. Mỗi khi trao quà, các thành viên lại ngọt ngào nói: “Chúc chú/cô an toàn qua mùa dịch”. 

Các thành viên của nhóm Chong Chóng Yêu Thương và những người bạn của họ, dù nhiều nghề nghiệp, chức vị khác nhau, mà có lẽ ít gặp nhau bên đường đời tấp nập, nhưng khi có chung một tấm lòng sẻ chia, thì những cánh chong chóng tròn xoay mang theo những yêu thương lan tỏa muôn nơi.

Thành phố của tôi, người yêu người hơn khi cùng nhau bước qua những ngày hoạn nạn.

Tin cùng chuyên mục