Nguồn dự trữ đảm bảo

Trong tháng 2, Ngân hàng Trung ương Nga đã mạnh tay chi tiền mua thêm 356.000 ounce vàng, nâng tổng khối lượng vàng dự trữ lên 386,9 tỷ USD, trở thành quốc gia mua vàng nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa phải là đích nhắm cuối cùng của nước này, bởi Ngân hàng Trung ương Nga từng công bố kế hoạch tăng lượng dự trữ vàng lên 500 tỷ USD trong thời gian từ 3 đến 5 năm tới.

Động thái của Ngân hàng Trung ương Nga được đưa ra trong bối cảnh GDP của nước này suy giảm kể từ quý 1-2015, do tác động của giá dầu giảm sâu và lệnh trừng phạt của phương Tây. Vào cuối năm 2014, Nga phải rót hơn 67 tỷ USD nhằm củng cố đồng rouble. Nhưng giờ đây, Nga đã quyết định không bình ổn đồng rouble nữa, thay vào đó, Mátxcơva dùng tiền để tăng dự trữ quốc gia.

Quyết định mua vàng làm nguồn dự trữ của Nga cho thấy, Chính phủ Nga nhìn nhận vàng và ngoại tệ mạnh nằm trong ngân hàng là sự đảm bảo tốt nhất để giảm thiểu rủi ro cho ngân sách quốc gia. Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, chính vì thế, nền kinh tế này đã phải gánh chịu thiệt hại lớn khi giá dầu trượt dốc. Lúc này, vàng trở thành tài sản trú ẩn an toàn. Nga cũng làm giới tài chính sửng sốt vì quyết định không bán vàng như một số quốc gia đã làm để cứu nguy đồng nội tệ hay kinh tế mà thay vào đó lại mua vàng. Sức mua vàng tăng mạnh cũng giúp Nga củng cố vị trí xếp hạng thứ 7 trên thế giới về dự trữ vàng.

Tổng thống Nga V.Putin đặt niềm tin vào vàng từ những năm 2008-2009 khi nhờ dự trữ, Nga thoát được khủng hoảng mà không bị mất mát quá nhiều về kinh tế. Vàng từng bị chê là “lỗi thời”, nhưng từ khi cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực đồng EUR xảy ra, các ngân hàng trung ương trên thế giới tỏ ra quan tâm đến kim loại quý này hơn bao giờ hết. Nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy tích trữ vàng để đa dạng hóa các nguồn tài sản dự trữ bên cạnh hai đơn vị tiền tệ mạnh khác của thế giới là đồng USD và đồng EUR. Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới, các ngân hàng trung ương đã bổ sung thêm 336,2 tấn vàng vào kho dự trữ của mình trong nửa cuối năm 2015, từ mức 252,1 tấn trong nửa đầu năm.

Tổng thống Putin từng bác bỏ đề xuất sử dụng các quỹ của Ngân hàng Trung ương để giúp phục hồi kinh tế. Ông tuyên bố, dự trữ vàng và ngoại tệ được Ngân hàng Trung ương tạo dựng cho các mục đích khác, không phải để giải quyết cho các vấn đề kinh tế hiện tại. Dù bức tranh kinh tế Nga hiện chưa như ý nhưng giới chức Nga tin rằng, chính những khó khăn hiện nay là động thực thúc đẩy Mátxcơva tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng đa dạng, cải cách chính sách và giảm thiểu sự tác động từ bên ngoài.

Theo giới phân tích, nếu triển khai được những chính sách hợp lý, nước Nga có thể vượt qua được những khó khăn kinh tế hiện tại và trụ vững trong năm 2016, được dự báo sẽ còn nhiều biến động. Chính sách mua thêm vàng làm tài sản dự trữ không nằm ngoài kế hoạch trên vì Chính phủ Nga cho rằng, vàng và ngoại tệ mạnh là sự đảm bảo tốt nhất cho sự độc lập tài chính của Nga.


THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục