Vấn đề và sự kiện

Nguồn gốc bạo lực

Một số vị bảo rằng làm gì thì làm, cần phải thay đổi chính cách nghĩ của người Ý nếu muốn tránh tái diễn bạo lực trong sân bóng. Một tác giả chuyên viết về bóng đá Ý phản ánh: Ngày nay có một bộ phận thanh thiếu niên từ 15-30 thích đánh nhau, và đặc biệt thích đọ sức với cảnh sát. Đó là vấn đề xã hội.

Một chức vô địch World Cup ít ai ngờ, một vụ tiêu cực bóng đá làm hoen ố thanh danh các CLB hàng đầu, và bây giờ là cái chết của một cảnh sát trong vụ làm loạn của CĐV ở Sicile. Trong vòng một năm qua, vinh quang tột đỉnh đã đến với bóng đá Italia kèm theo bi kịch tột cùng. Trong một bài bình luận chủ đạo trên trang nhất của nhật báo La Republica gần đây, người ta đọc được một lời kêu gọi thống thiết: “Chúng ta đừng che giấu một thực tế: bóng đá không còn đơn giản là một trò chơi nữa. Bóng đá đã ươm mầm những ước mơ, nhưng giờ đây nó đang kích động ra những cơn ác mộng”.

Nguồn gốc bạo lực ảnh 1

Trên khán đài Catania, đêm 2-2.

Cơn ác mộng xảy ra vào đêm 2-2 ở Sicile đã làm rung chuyển cả một đất nước vốn xem bóng đá là một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Nước Ý có 3 tờ nhật báo thể thao quốc gia, cả 3 ưu tiên tuyệt đối cho bóng đá và dĩ nhiên trong mấy ngày qua các tờ báo ấy hầu như chỉ nói về dư âm vụ bạo động gây chết người. Nước Ý có vô số chuơng trình truyền thanh, truyền hình từ các tập đoàn truyền thông quốc gia cho tới các đài nhỏ ở địa phương, ngày nào cũng thảo luận chi tiết về tin tức các đội, về các quyết định của trọng tài. Mấy ngày qua, các chương trình ấy cũng đã dành cho vụ Sicile.

Những điều được rút ra: Thứ nhất, lâu nay nước Anh khét tiếng về nạn hooligan, nhưng nhờ hệ thống camera an ninh chặt chẽ, nhờ cảnh sát mạnh tay hơn và nhờ…giá vé cao mà nạn bạo lực trên khán đài ít nhiều đã được thuần lại, bây giờ đến lượt Ý, Pháp, Hà Lan nổi tiếng với bạo lực sân cỏ. Thứ hai, nhờ vô địch World Cup 2006, tưởng chừng như bóng đá Ý đã gượng dậy từ vụ tiêu cực Calciopoli. Nhưng tấn thảm kịch đêm 2-2 báo hiệu nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nặng nề và trầm trọng hơn nữa.

Cho nên, trong những ngày chờ phán quyết cuối cùng về chuyện có tổ chức thi đấu trở lại hay không và chừng nào tổ chức, đã có một sự giằng co trong dư luận. Trước nghị viện Ý hôm thứ Ba, Bộ trưởng Nội vụ Giuliano Amato khẳng định chừng nào chưa đảm bảo được an ninh, chừng đó ông còn quyết liệt chống trả mọi áp lực đòi tổ chức thi đấu lại và cho khán giả vào sân như bình thường. Amato tuyên bố: “Không hoài nghi gì hết, sức ép của thế giới sẽ đòi buổi diễn tiếp tục với lý do bóng đá là một vấn đề lớn lao. Chúng ta có bổn phận chống lại những áp lực ấy trước pháp luật và trước nhân dân”.

Áp lực chẳng xuất phát từ thế giới nào xa xôi. Áp lực từ chính bóng đá Ý. Cùng ngày bộ trưởng Amato phát biểu trước nghị viện, các quan chức CLB thuộc serie A và serie B cũng đã có những cuộc họp không chính thức ở Rome. Họ muốn ngay cuối tuần này các giải bóng đá phải tiến hành trở lại bình thường, khán giả vào sân bình thuờng. Như lời chủ tịch Maurizio Zamparini của Palermo đã nói (tha thiết), CLB này sẽ thực hiện mọi biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, chỉ cần loại bỏ biện pháp cấm cửa khán giả và chỉ cần “chính phủ lắng nghe chúng tôi”.

o0o

Thủ tướng Ý Romano Prodi yêu cầu thay đổi tận cốt lõi. Một quan chức bóng đá gợi ý là đình chỉ thi đấu một năm. Một số vị khác bảo rằng làm gì thì làm, cần phải thay đổi chính cách nghĩ của người Ý. Cesare Prandelli, HLV của Fiorentina, thốt lên: “Ở đây, văn hóa thất bại không tồn tại. Bất cứ khi nào một đội bóng thất bại, điều đó trở thành một thảm họa”.

Vì sao? Vì trên một phương diện nào đó, làm một CĐV ở Ý tức là một cách bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối với một miền đất và…đối chọi với một miền đất khác. Các thành phố càng nằm gần nhau, sự đối chọi giữa hai phe CĐV càng lớn, thí dụ như Naples và Avellino ở miền Nam hay Siena và Florence ở miền Bắc. Nếu là hai đội bóng cùng thành phố, sự đối chọi ấy càng lớn hơn nữa. Năm 1979, một khán giả Lazio đã chết do quả hỏa pháo từ phía khán giả AS Roma bắn trúng mắt. Tháng 3-2004, tình trạng hỗn loạn trên khán đài đã khiến trận đấu giữa 2 đội này bị hủy bỏ.

Bên cạnh yếu tố địa dư, sự bất đồng về mặt chính trị cũng là một phần gây nên sự đối chọi giữa các nhóm CĐV. Thí dụ: Khán giả Livorno nổi tiếng là những người theo cánh tả. Ngược lại, giới cổ động viên Lazio xưa nay là những kẻ cực hữu. Và khi hai CLB này gặp nhau vào năm 2005, mạnh bên nào bên nấy bảo vệ lý tưởng của mình và chửi bới đối phương.

Còn nguyên do nào nữa không? Gabriele Marcotti, một tác giả chuyên viết sách, viết báo về bóng đá ở London cho rằng nguyên nhân thực sự gây ra bạo loạn trong sân – dù ở Ý hay ở một quốc gia châu Âu nào khác – thuộc về vấn đề xã hội. “Đó là một thực tế, và một thực tế không thể chối cãi: Ở các nước Tây Âu, có một bộ phận nhất định các thanh thiếu niên tuổi từ 15 đến 30 thật sự thích đánh lộn. Dù là đánh lộn trong quán hay trong các cuộc biểu tình thì cũng chẳng thành vấn đề, miễn là…có đánh. Họ đặc biệt thích đọ sức với cảnh sát”... 

HƯNG NGUYÊN tổng hợp 

5 ngày sau vụ bạo động ở Sicile
Thêm 4 người bị bắt

Hôm qua, 7-2, đã có thêm 4 bị bắt vì liên can đến vụ bạo động đêm 2-2 tại Sicile. Bốn tay này bị nhận diện qua băng ghi hình cảnh bạo loạn bên ngoài sân Catania. Theo đó, tổng số người bị bắt là 38 người. Cảnh sát Filippo Raciti thiệt mạng trong bệnh viện do một quả bom tự tạo ném vào xe công vụ. Kết quả giảo nghiệm tử thi cho thấy Raciti đã bị những vết thương chết người ở vùng bụng, đặc biệt là gan.

Trong khi đó, trước cuộc họp quyết định cuối cùng về vấn đề tái tổ chức thi đấu serie A cuối tuần này hay không, chính phủ Ý cho biết các CLB phải tuân thủ triệt để luật “Pisanu” kèm theo một số quy định mới sẽ được ban hành nhanh chóng – chẳng hạn cho cảnh sát nhiều quyền hành hơn trong việc bắt giữ tội phạm và hạn chế số vé bán cho các đội khách.

T.M

Tin cùng chuyên mục