(SGGP).- Phải đến đầu tuần tới, giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng thương mại mới hoạt động trở lại sau một thời gian dài nghỉ Tết Canh Dần. Hôm qua (17-2), trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện nhiều ngân hàng cho rằng: Với quyết định tăng mạnh tỷ giá liên ngân hàng và lập trần lãi suất tiền gửi USD của tổ chức mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước tết, trong thời gian tới nguồn ngoại tệ đổ vào ngân hàng sẽ tăng mạnh.
Đồng thời, tình trạng găm giữ ngoại tệ của các tổ chức (một trong những nguyên nhân gây biến động thị trường ngoại hối) sẽ được khắc phục. Trước đó, nhiều ngân hàng đã niêm yết tỷ giá giao dịch USD kịch trần cho phép ở mức 19.100 đồng/USD, và đồng loạt rút lãi suất huy động USD đối với các tổ chức về tối đa 1% thay vì 2,5%-4,5%/năm trước đó.
Như vậy, sau 3 năm cho thực hiện cơ chế thỏa thuận, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu “thắt” lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức tại ngân hàng. Một số chuyên gia cho rằng, đây chính là một hình thức kết hối theo hình thức “tự xử” đối với các tổ chức có tiền gửi USD, ngăn chặn việc đô la hóa trong nền kinh tế và giúp tăng nguồn cung USD đối với các ngân hàng thương mại. Hiện nay, đầu vào ngoại tệ của Việt Nam chủ yếu có từ xuất khẩu, kiều hối, đầu tư nước ngoài…
Trong năm 2009, một tình trạng nổi bật và kéo dài là việc nhiều doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ, ngay cả nguồn kiều hối, găm giữ và không bán lại cho ngân hàng, dẫn đến căng thẳng trên thị trường. Nay, với chính sách mới, quyết định găm giữ sẽ phải cân nhắc. Với quy định trên, lãi suất tiền gửi USD của tổ chức kinh tế tối đa là 1%/năm, tạo sự chênh lệch lớn so với lãi suất tiền gửi VND (phổ biến là 10,49%) sẽ thúc đẩy hoạt động bán lại ngoại tệ cho ngân hàng. Cùng với quy định “trần” lãi suất, việc tăng mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng sẽ khiến các tổ chức đang găm giữ ngoại tệ quyết định bán ra dễ dàng hơn.
H. YÊN