Nguồn vốn FDI, ODA: Tăng tốc giải ngân, khơi thông hiệu quả

Năm 2010, cùng với sự phục hồi kinh tế thế giới, dự báo nguồn vốn FDI đổ vào nước ta sẽ khả quan hơn. Vốn ODA cho năm nay được cam kết ở mức cao nhất từ trước tới nay (8,06 tỷ USD). mới đây nhất, Chính phủ Nhật Bản đã ký cam kết tăng ODA kỷ lục cho Việt Nam. Vấn đề đang được quan tâm là làm thế nào để tăng tốc giải ngân 2 nguồn vốn quan trọng này.
Nguồn vốn FDI, ODA: Tăng tốc giải ngân, khơi thông hiệu quả

(SGGP-ĐTTC).- Năm 2010, cùng với sự phục hồi kinh tế thế giới, dự báo nguồn vốn FDI đổ vào nước ta sẽ khả quan hơn. Vốn ODA cho năm nay được cam kết ở mức cao nhất từ trước tới nay (8,06 tỷ USD). mới đây nhất, Chính phủ Nhật Bản đã ký cam kết tăng ODA kỷ lục cho Việt Nam. Vấn đề đang được quan tâm là làm thế nào để tăng tốc giải ngân 2 nguồn vốn quan trọng này.

Một khi cơ sở hạ tầng được khơi thông sẽ tạo thêm điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư. (Trong ảnh: Một góc Đại lộ Đông Tây). Ảnh: LÃ ANH

Một khi cơ sở hạ tầng được khơi thông sẽ tạo thêm điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư. (Trong ảnh: Một góc Đại lộ Đông Tây). Ảnh: LÃ ANH

Khởi sắc giải ngân FDI

Hiếm có năm nào tình hình diễn biến khả quan như năm nay khi ngay từ những tháng đầu năm, tốc độ giải ngân đã đạt mức rất cao. Thậm chí trong tháng 1, tốc độ giải ngân vốn FDI còn cao hơn đăng ký. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), giải ngân vốn FDI tháng 1-2010 đạt khoảng 400 triệu USD, trong khi vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm chỉ có 318 triệu USD.

Trong tháng 2-2010 đã có thêm 700 triệu USD vốn FDI được đưa vào thực hiện, nâng tổng vốn FDI giải ngân trong 2 tháng đầu năm lên 1,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh vốn thu hút mới và vốn tăng thêm sụt giảm (trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 1,78 tỷ USD, bằng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái).

"Năm nay chưa cần phải tăng vốn FDI đăng ký, chỉ cần giải ngân hết nguồn vốn FDI đã cam kết, chúng ta đã có nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế, phục vụ hiệu quả mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế đồng thời giải quyết nhiều việc làm cho xã hội."

GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI.

Giải ngân vốn FDI là bài toán khó và cũng là vấn đề rất quan trọng. Năm 2008, cả nước thu hút trên 64 tỷ USD vốn FDI đăng ký, năm 2009 thu hút trên 21 tỷ USD vốn đăng ký nhưng trong 2 năm này mới giải ngân được 21,5 tỷ USD, bằng khoảng 25% vốn đăng ký.

Bàn về FDI năm 2010, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, khuyến nghị thay vì quá tập trung vào việc tìm kiếm thêm dự án mới, năm nay cần chú trọng mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải ngân và triển khai có hiệu quả các dự án FDI đã ký.

“Việc chuyển số vốn đăng ký thành vốn thực hiện là thách thức không nhỏ. Trong điều kiện hiện nay về quy mô nền kinh tế, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng cũng như năng lực quản lý hiện tại của các cấp quản lý FDI... sức hấp thụ vốn cũng có giới hạn, khó kỳ vọng một con số giải ngân rất ấn tượng” - TS. Thắng nói.

Phối hợp tháo gỡ ách tắc

Thật ra những giải pháp quan trọng để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn thực tế không gì mới mà đã được chỉ ra từ rất lâu, vấn đề là cần triển khai quyết liệt, đồng bộ. Mối lo ngại hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay vẫn là cơ sở hạ tầng. Khoản tiền bỏ ra để xây một khu cảng lớn và hiện đại sẽ mất đi rất nhiều tác dụng nếu không có đường vào hoặc nguồn cung cấp điện không đủ đáp ứng công suất hoạt động của cảng.

Giải phóng mặt bằng cũng là nỗi “ngán ngẩm” của nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, đề xuất của một số địa phương về xây dựng mô hình quỹ ứng vốn giải phóng mặt bằng do các nhà đầu tư đóng góp theo quy mô sử dụng đất của dự án vẫn chưa được bàn đến.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, năm nay sẽ tập trung mạnh vào các nhóm giải pháp về chính sách pháp luật, quy hoạch, cải thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị nguồn nhân lực, quản lý nhà nước và xúc tiến đầu tư. Ngay từ đầu năm, bộ đã triển khai nhiều đoàn công tác phối hợp với các địa phương tháo gỡ những ách tắc cho các nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên những dự án có tính khả thi cao và phù hợp với quy hoạch.

Với đà giải ngân trong 2 tháng đầu năm, khả năng trong thời gian tới tình hình thực hiện các dự án FDI sẽ có nhiều khởi sắc. Thông tin từ các địa phương cho thấy, nhiều dự án lớn sẽ được khởi động trong thời gian tới. Trước mắt, trong tháng 3 này, dự án Nhà máy Thép Guang Lian Dung Quất dự kiến sẽ được khởi công với vốn đầu tư trên 3 tỷ USD.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án Vườn thú hoang dã Safari với vốn đăng ký 200 triệu USD cũng sẽ được khởi động vào cuối quý I, đầu quý II. Còn tại Hải Phòng, Khu đô thị công nghiệp, dịch vụ Việt Nam - Singapore vừa được khởi công vào đầu tháng 1 (vốn đầu tư 100 triệu USD) dự kiến sẽ thu hút thêm nhiều dự án với vốn đầu tư hàng trăm triệu USD triển khai ngay trong năm nay.

Tăng giám sát, điều phối vốn ODA

Năm 2010, các nhà tài trợ song phương và đa phương đã đưa ra mức cam kết cấp 8,06 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam, tăng 3 tỷ USD so với năm 2009 và là mức cam kết cao nhất từ trước đến nay. Nhật Bản là một trong những đối tác đầu tiên hiện thực hóa cam kết kỷ lục đó.

Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Mitsuo đã ký kết công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho Chính phủ Việt Nam 25,822 tỷ yên ODA vốn vay thuộc đợt 2 tài khóa 2009 của Nhật Bản (kết thúc vào ngày 31-3-2010). Khoản vay này đưa tổng cam kết ODA vốn vay mà Nhật Bản dành cho Việt Nam trong tài khóa 2009 lên đến 145,613 tỷ yên, cao nhất từ trước đến nay.

Dự kiến trong tháng 3-2010, Bộ Tài chính Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản sẽ ký kết 5 hiệp định tín dụng cụ thể dành cho 5 dự án, bao gồm: dự án xây dựng nhà ga hành khách - cảng hàng không quốc tế Nội Bài; dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đi sân bay quốc tế Nội Bài; dự án xây dựng cầu Cần Thơ; dự án khôi phục cầu Quốc lộ I giai đoạn 3 (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) và dự án phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc.  

"Nếu so với kế hoạch năm, thời gian gần đây chúng ta luôn vượt kế hoạch giải ngân ODA. Tuy vậy, so với mức giải ngân trung bình của các nhà tài trợ toàn cầu và khu vực, tốc độ giải ngân nước ta vẫn thấp. Điều này đặt ra bài toán cho các cơ quan điều hành chính sách cũng như các địa phương cần có sự phối hợp tốt hơn."

Ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH-ĐT)

Mức cam kết kỷ lục trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn cho thấy các nhà tài trợ đặt niềm tin rất cao vào khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Theo các nhà hoạch định chiến lược, trong năm nay sẽ triển khai cả nhóm biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn ODA. Trước mắt, để giải tỏa những vướng mắc về thủ tục, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các thủ tục, quy định liên quan đến triển khai các dự án ODA nhằm cải tiến và cắt giảm thủ tục.

Đây cũng là các thủ tục sẽ được cắt giảm trong thực hiện Đề án 30 về cải cách hành chính của Chính phủ. Trong vấn đề thủ tục có yêu cầu về hài hòa thủ tục, hài hòa trong nội bộ quy định của Việt Nam và với các nhà tài trợ, đặc biệt giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều dự án triển khai chậm. Tiếp theo là nâng cao năng lực của các cấp địa phương, quản lý dự án.

Một điểm đặc biệt quan trọng khác là cơ chế điều hành và điều phối. Chính phủ đã lập Tổ công tác điều phối ODA, nhằm giải quyết những khó khăn trong thực hiện các dự án, cũng như nâng cao hiệu quả công tác tài trợ. Tổ công tác đã họp với nhóm 6 ngân hàng để xem xét chu trình thực hiện dự án và đã đưa ra 12 giải pháp nóng cần giải quyết ngay, như đề cương dự án, thủ tục đấu thầu, báo cáo, giải phóng đất đai, xử lý hợp đồng…

Tin cùng chuyên mục