Tại buổi làm việc, ông Lê Trường Duy, Giám đốc C4IR và ông Phạm Phú Trường, Phó Giám đốc, đã giới thiệu quá trình thành lập và hoạt động của Trung tâm. Theo đó, C4IR được UBND TPHCM thành lập với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào 5 lĩnh vực chính: trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển bền vững, vật liệu mới, giải pháp tài chính xanh và đổi mới công nghệ.
Trung tâm đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và giới nghiên cứu, đồng thời tham gia các sáng kiến toàn cầu thông qua Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Ban giám đốc C4IR cho biết, với 90% doanh nghiệp tại TPHCM là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh là một thách thức lớn. Do đó, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là thông qua WEF, sẽ giúp tiếp cận trực tiếp các mô hình sản xuất hiện đại.
Cũng theo ban giám đốc C4IR, các lĩnh vực như công nghệ, tài chính và đào tạo nguồn nhân lực đều còn nhiều tiềm năng hợp tác. Hai bên cũng thảo luận khả năng triển khai Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa TPHCM và thành phố Tampere nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, hướng đến tầm nhìn phát triển giai đoạn 2030–2045. Đặc biệt, C4IR nhấn mạnh mục tiêu hợp tác với Phần Lan trong các mô hình nhà máy thông minh tại Việt Nam, bắt đầu bằng việc hỗ trợ các doanh nghiệp Phần Lan đầu tư sản xuất tại đây.
Về phía Phần Lan, Phó Thị trưởng Jouni Markkanen đánh giá cao ý tưởng thành lập C4IR và bày tỏ mối quan tâm lớn đến các lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là AI. Theo Phó Thị trưởng, thành phố Tampere hiện đang ứng dụng AI vào sản xuất chip, năng lượng tái tạo, hydrogen và nhiều lĩnh vực khác. Thành phố Tampere cũng đang tham gia sáng kiến về AI của các thành phố thông qua WEF và mong muốn trở thành đối tác pháp lý và công nghệ của TPHCM trong lĩnh vực này.