Nguy cơ cận kề

Từ cuối tháng 7, Nhật Bản kiểm tra 100% các lô hàng mực nhập khẩu từ Việt Nam, đến nay, có 16 trường hợp bị phát hiện vi phạm Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm. Phía Nhật Bản cho biết sẽ bắt đầu xem xét áp dụng lệnh cấm nhập khẩu mực từ VN.

Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết, Nhật Bản vừa áp dụng kiểm tra 100% mặt hàng tôm và chế phẩm từ tôm nuôi xuất xứ từ VN. Nhật Bản là nơi nhập khẩu đến 43% lượng hàng hải sản chế biến (chủ yếu là mực, bạch tuộc…) của VN. Giám đốc Công ty APT (TPHCM) Nguyễn Văn Công Hậu lo ngại vấn đề lớn hơn là khách hàng Nhật Bản sẽ tẩy chai những mặt hàng thủy hải sản (TS) khác của VN.

Kim ngạch xuất khẩu TS VN sang thị trường Nhật Bản tăng gần 10%/ năm và vài năm nay, Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn của TS VN, chiếm 23% thị phần và chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành TS.

Trong đó, mỗi năm thị trường này mua 500 triệu - 600 triệu USD trong tổng số 1,2 tỷ USD tổng giá trị tôm xuất khẩu của VN. Tháng 8, Báo SGGP có bài viết “Nguy cơ mất thị trường Nhật Bản vì Chloramphenicol”, nay, nguy cơ này càng cận kề. Theo ông Nguyễn Tư Cương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y TS (Nafiqaved), trước đây Nhật Bản không yêu cầu kiểm tra của cơ quan nhà nước VN nên các DN tự lo việc kiểm tra chất lượng khi xuất hàng.

Tình trạng này đã xảy ra với 2 thị trường Mỹ và Canada trước đây (nhiều DN bị cấm cửa do vi phạm). Cuối năm 2005, Bộ Thủy sản quyết định kiểm tra bắt buộc hàng xuất sang 2 thị trường này. Tháng 7 vừa qua, Canada công nhận kết quả kiểm tra của Nafiqaved, và TS xuất sang thị trường này lại đi vào nền nếp.

Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh nhấn mạnh: DN phải nhận ra những thay đổi cơ bản của Nhật Bản về vấn đề chất lượng và dư lượng kháng sinh; DN không cẩn thận, không những tự “đóng cửa” với mình mà còn giết chết thị trường chiến lược của ngành TS VN.

ĐÔNG PHONG

Tin cùng chuyên mục