Nguy cơ chiến tranh tiền tệ chưa dứt

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ chưa dứt
  • Mỹ và Nhật Bản chạy đua giảm giá đồng tiền 

Ngày 1-11, giá USD so với đồng yên Nhật Bản đã xuống mức thấp nhất trong hơn 15 năm qua, 1 USD đổi được 80,21 yên Nhật Bản. USD xuống giá trước thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ trong tuần này. Ủy ban Thị trường mở cửa thuộc FED dự kiến vào ngày 2 và 3-11 sẽ tiếp tục mua lại các tài sản nợ xấu nhằm kích thích nền kinh tế. Ước tính Mỹ sẽ tung thêm 2.000 tỷ USD ra thị trường.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nước này, đồng thời cảnh báo đồng yên mạnh sẽ làm chậm đà phục hồi kinh tế. BOJ trong tuần này cũng sẽ công bố kế hoạch tung tiền mua các quỹ đầu tư bất động sản và thương mại.

Trước áp lực USD giảm giá so với đồng yên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết Tokyo sẽ tiếp tục can thiệp lần thứ hai để giảm giá đồng yên, bất chấp kết quả của Hội nghị G20 vừa qua. Các chuyên gia dự báo, Nhật Bản sẽ can thiệp khi giá yên ở mức dưới 80 yên/USD.

Giá USD so với tiền tệ của 6 đối tác chính về thương mại của Mỹ (gồm cả yên và euro) giảm trung bình 0,5%. Tại châu Á, đồng won của Hàn Quốc có giá trị cao nhất sau đó đến dollar Australia.

USD và các đồng tiền khác đang đua nhau giảm giá.

USD và các đồng tiền khác đang đua nhau giảm giá.

  • Mục tiêu vẫn là gia tăng xuất khẩu

Để đẩy mạnh xuất khẩu, Mỹ, EU và Nhật Bản nới lỏng chính sách tiền tệ, làm cho đồng tiền yếu để hưởng lợi từ xuất khẩu. Các nước phát triển hầu hết áp dụng lãi suất bằng 0 đã tạo áp lực tăng giá lên đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi. Brazil với lãi suất 10,75% đang có nguy cơ nhiều nhất vì đồng tiền tăng giá hơn 30% so với USD, mức cao nhất thế giới. Chính vì vậy, các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia đã can thiệp vào thị trường ngoại hối do lo ngại đồng tiền mạnh sẽ giảm giá trị xuất khẩu.

Như vậy, cam kết không để xảy ra chiến tranh tiền tệ của các bộ trưởng tài chính nhóm G20 vừa qua chưa được chứng minh bằng hành động. Vẫn chưa có một nỗ lực chung nào để cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Do đó, nguy cơ tái diễn chiến tranh tiền tệ như thời kỳ hậu khủng hoảng năm 1930 vẫn còn.

Ngay tại Mỹ, trong lúc tiếp tục hạ giá USD để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lại kêu gọi các nước đối tác cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ là 6% GDP của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù Mỹ gây áp lực buộc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) nhưng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc từ năm 2000 đến 2009 tăng 330%. Trong khi con số này của thế giới chỉ 29%. Nếu Trung Quốc nâng giá NDT so với USD thêm 25% sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng Mỹ vì đa số các mặt hàng ở những siêu thị lớn như Wal-Mart đều nhập từ Trung Quốc. Nhiều nhà kinh tế còn lo ngại chiến tranh tiền tệ sẽ đi kèm với một chính sách bảo hộ mậu dịch mới.

Theo chuyên gia Jonathan Davies thuộc Ngân hàng UBS, giá USD có thể sẽ tiếp tục giảm trong vòng 2 hoặc 3 năm tới trong thời điểm Mỹ duy trì chính sách kích thích kinh tế, tăng xuất khẩu, chống thất nghiệp. FED sẽ tiếp tục chính sách lãi suất thấp nhằm kích thích nền kinh tế.

Giá trị đồng USD giảm kỷ lục so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới đang tác động trực tiếp tới thị trường và người tiêu dùng Mỹ. Nếu như đầu tháng 6, người ta chỉ tốn 1,20 USD để đổi 1 EUR, giờ đây phải bỏ ra đến 1,39 USD. Trong khi đó, khách du lịch nước ngoài tới Mỹ được hưởng lợi nhiều hơn. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục