Căng thẳng giữa Nga-Liên minh châu Âu (EU) xoay quanh tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga lại nóng lên khi Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Igor Shuvalov ngày 31-10 cáo buộc EU tiến hành điều tra chống độc quyền Gazprom với mục đích ép tập đoàn năng lượng này phải hạ giá khí đốt.
Động vào Gazprom là động vào Kremlin
Cáo buộc của ông Shuvalov là phản ứng mới nhất của Nga về cuộc điều tra của EU nhằm vào Gazprom. Tháng 9 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành điều tra chống hành vi độc quyền với các cơ sở của Gazprom ở Trung và Đông Âu. Nếu như EC chứng minh Gazprom vi phạm, tập đoàn năng lượng của Nga sẽ có thể đối mặt với mức tiền phạt 10 tỷ USD, tương đương 10% doanh thu hàng năm của Gazprom. Ngoài ra, việc kinh doanh đem lại 60 tỷ USD/năm cho Gazprom tại châu Âu sẽ bị ảnh hưởng.
Ngay sau tuyên bố của EC, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo “làm khó dễ Gazprom đồng nghĩa với việc làm khó dễ Điện Kremlin” bởi “Gazprom không đơn thuần là một doanh nghiệp mà được xem như một ban của Điện Kremlin”. Tổng thống Nga đã ban hành sắc lệnh áp dụng cho các công ty chiến lược như Gazprom, theo đó cho phép được quyền sửa đổi các hợp đồng và không phải cung cấp bất cứ thông tin gì với các tổ chức, chính phủ nước ngoài nếu không được phép của Chính phủ Nga. Sắc lệnh này sẽ tăng cường vai trò của Chính phủ Nga trong việc giúp đỡ các công ty lớn của Nga khi bị điều tra ở nước ngoài. Ông Putin còn nhấn mạnh cái cần cắt giảm ở đây là tiền thuế đánh vào phí vận chuyển khí đốt chứ không phải giá bán khí đốt.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nhấn mạnh, vụ điều tra có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác về năng lượng giữa hai bên, nền tảng cho quan hệ về kinh tế giữa EU-Nga trong hơn 10 năm qua. Ông Alexander hy vọng EU nên cân nhắc vì lợi ích chung của đôi bên.
Tính chuyện tương lai
Lượng khí đốt của Gazprom chiếm 25% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Một số chuyên gia đã bày tỏ quan ngại rằng nếu căng thẳng giữa EU-Nga về Gazprom không được giải quyết êm thấm, một cuộc chiến khí đốt giữa Nga-EU như năm 2009 sẽ diễn ra trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt tại châu Âu đang đến gần. Vào thời điểm đó, Nga đã ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu trong gần 2 tuần lễ sau khi nổ ra tranh cãi về giá và thanh toán tiền bán khí đốt khiến hàng chục quốc gia châu Âu điêu đứng.
Để đề phòng trường hợp công việc kinh doanh tại châu Âu trong tương lai bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra, Tổng thống Nga Putin đã thông báo kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD để khai thác mỏ khí đốt mới ở Siberia và xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới tại khu vực bờ biển Thái Bình Dương của Nga để xuất khẩu khí đốt sang châu Á. Ông Alexei Miller, Giám đốc điều hành Gazprom, cho biết tiềm năng mỏ khí đốt Chaynda ở vùng Yakutia rất lớn với trữ lượng khí ước tính 1.200 tỷ m3. Theo ông Miller, một hệ thống đường ống dẫn khí đốt dài 3.200km nối liền mỏ khí với cảng biển Vladivostok sẽ được xây dựng. Gazprom sẽ cần khoảng 38,1 tỷ USD để thực hiện dự án trên để có thể đưa vào sử dụng vào năm 2017. Gazprom cũng đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất khí hóa lỏng ở Vladivostok để xuất khẩu sang các quốc gia Thái Bình Dương.
Chính phủ Nga muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khí đốt không chỉ bởi những khó khăn từ châu Âu mà còn bởi sự cạnh tranh từ nguồn khí đốt dồi dào ở Bắc Phi và các mỏ khí đá phiến ở Mỹ. Nếu như không khẩn trương mở rộng thị trường, lợi nhuận khổng lồ từ việc xuất khẩu khí đốt của Nga có thể sẽ sụt giảm trong thời gian tới.
Đỗ Cao (tổng hợp)