Trước trận Manchester United – Chelsea

Nguy cơ khi " phải thắng "

Những con quỷ đỏ Old Trafford sẽ đá như thế nào? Sau 10, 20, 25 hay bao nhiêu năm cầm quân thì cũng thế, Sir Alex vẫn rơi vào tình huống phải tìm ra một giải pháp mới để trấn áp cái thế lực đang đe dọa đế chế mà ông đã tạo ra và đang tìm cách phục hưng.

Đã thắng được 11/13 trận Premier League mùa này thì càng phải thắng bằng được Chelsea. Đã dày công cố gắng, thắng tuyệt đối 3 trận sân nhà gần đây nhất trước Newcastle, Liverpool, Portsmouth - với tổng cộng 7 bàn và không lọt lưới một lần nào - thì càng phải nỗ lực khi gặp Chelsea, như thể toàn bộ tương lai đặt trọn trong cuộc đụng độ này vậy.

Nguy cơ khi " phải thắng " ảnh 1
Cuộc chạm trán trên sân Old Trafford vào ngày 6-11-2005: Pha tranh bóng giữa tiền đạo Drogba của Chelsea và các hậu vệ Manchester United.

Hai mùa gần đây, Manchester chỉ biết rượt theo cái bóng của Chelsea, năm nay mới là lần đầu tiên họ dẫn trước đối thủ trên bảng xếp hạng.

Họ đã mất nhiều công sức mới tạo ra được một khoảng cách chỉ ngang giá một trận thắng. Vậy nên, Manchester cần trận đấu này hơn Chelsea. Đây sẽ là áp lực tâm lý, hay quyết tâm và niềm hứng khởi?

Ngày 6-11 năm ngoái, họ thắng Chelsea 1-0 bằng một quả đánh đầu cầu vồng chéo góc của Fletcher.

Thực chất đó là một đường chuyền vô tình biến thành pha ghi bàn ở cuối hiệp nhất rồi sau đó, Manchester United phải căng ra chống chọi các pha tấn công dồn dập của Chelsea đến độ suýt nữa sụp đổ ở hiệp nhì.

Chỉ có 2 cách đánh bại Chelsea vào lúc đó: Một là thắng bằng cả hệ thống, hai là thắng nhờ một pha bóng may mắn. Manchester United đã có vận may ấy.

Nhưng làm thế nào để thắng được Chelsea 2006-2007 lại là một vấn đề khác. Làm thế nào để đánh bại một đội bóng trông…không giống một đội bóng? Chelsea mùa này không tận dụng triệt để hai biên để tấn công như trước, và cũng không xiết chặt khâu phòng ngự ở hai hành lang như trước. Chelsea mùa này dựa vào kinh nghiệm thi đấu, sự can trường, sức mạnh của 4 tiền vệ sở trường đá trung tâm: Essien, Ballack, Lampard và Makelele.

Họ đá khi thế này, lúc thế khác và đã có nhiều đối thủ tưởng chừng quật được Chelsea nhưng rồi vẫn lại thua. Vì một lẽ đơn giản: Tuy lối chơi của hàng tiền vệ Chelsea chưa ra được một hình hài nào rõ nét, nhưng chỉ cần một pha lặng lẽ dâng lên của Ballack, một cú dốc bóng quyết liệt của Essien hay một pha áp sát khung thành của Lampard là cũng đủ làm nên chuyện.

o0o

Cho nên, với Ferguson, rất có thể thắng hay không thắng là ở tuyến giữa. Có một thực tế rõ ràng: Nếu so từng vị trí với nhau, hàng tiền vệ Manchester United không thể thắng Chelsea.

Một thực tế khác: Sir Alex muốn các học trò của mình thi đấu vừa đẹp mắt, vừa hiệu quả cao, nhưng ông ta khó mà đạt một lúc 2 mục tiêu như thế. Hoặc là biểu diễn cho đẹp mắt và có thể bại trận. Hai là chiến đấu, lao vào mỗi đường chuyền, xả thân trong mỗi pha tranh chấp tay đôi để có cơ may thắng trận.

Và cơ may thắng trận của họ không hẳn là niềm tin và phong độ mới tìm lại được của Rooney, không hẳn là kinh nghiệm của Scholes hay Ryan Giggs, không hẳn là sự nhạy bén của Saha, mà trước nhất là khu vực bên phải hàng hậu vệ Chelsea. Đó là vị trí yếu nhất của Chelsea hiện thời, là nơi Ferreira đã bị thất sủng, nơi Boulahrouz đã nói thẳng là không muốn đá và là nơi Mourinho đang trọng dụng Geremi lực lưỡng.

Tập trung khoét vào một cánh để từ đó bới tung cả hàng phòng thủ Chelsea, đó là cách Barca từng làm để thắng Chelsea 2-1 ngay trên sân Stamford Bridge ở Champions League mùa trước. Giới chuyên môn bảo rằng Manchester cũng có thể làm như thế, vì họ có Ronaldo - một Ronaldo quyết liệt hơn, thực dụng hơn, hiệu quả hơn hẳn mùa qua - ở ngay khu vực yếu nhất của Chelsea.

Vậy hãy chờ xem Ronaldo có thể làm hàng hậu vệ Chelsea mất thăng bằng hay không. Hãy chờ xem Rooney và Saha cùng những hộ công phía sau có thể tận dụng được gì.

Nhưng trước đó, chúng ta hãy chờ xem vị trí nào có thể là cầu chuyền lý tưởng cho Cristiano Ronaldo và các cầu thủ tấn công còn lại mở các cuộc tập kích. Michael Carrick? Về tâm lý, anh ta chưa bao giờ là một cầu thủ lớn trong các trận đấu lớn. Paul Scholes? Trong sở trường lên xuống theo trục trung tâm và giao - trả bóng với một hành lang, anh sẽ đứng giữa không ít chướng ngại: Ballack, Essien, Makelele, Terry.

Còn Gary Neville? Đôi chân nặng gánh thời gian của anh sẽ gặp nhiều khó khăn trước sức trẻ và tốc độ của Ashley Cole. Bao trùm lên tất cả, Manchester United không phải là Barcelona và Cristiano Ronaldo hay Rooney càng không phải là Messi hay Ronaldinho. Cỡ như Barca, Ronaldinho, Messi, Chelsea cũng đã chẳng sợ...

o0o

Vậy hãy thử hình dung trận cầu này. Với khát vọng thắng, với tư thế của đội dẫn đầu giải, với niềm kiêu hãnh của một đội chủ nhà, với...thói quen xưa nay, Manchester United ào ào tấn công ngay từ đầu để chứng tỏ họ giỏi hơn Chelsea.

Họ có thể bị thủng lưới sau một đường chuyền dài phản công của đối phương. Rồi họ có thể cuồng nộ hơn nữa, thủng lưới sau một lần bị phản công nữa trước khi gỡ lại nhờ tinh thần chiến đấu quật cường nổi tiếng xưa nay.

Họ dễ thua Chelsea hơn là thắng. Hoặc có thể hòa. Mà hòa thì cũng khác gì thua! Bởi như đã nêu, Manchester cần thắng trận này hơn tất cả 11 trận thắng kể từ đầu mùa Premier League...

Hưng Nguyên

Tin cùng chuyên mục