Một lần nữa, nước Đức lại dấy lên cuộc tranh cãi về việc sử dụng lại đồng mark trong thời điểm EU đang chìm trong khủng hoảng nợ. Cuộc thăm dò do Đài Truyền hình Đức (ARD TV) tiến hành cho thấy, 60% người dân muốn đưa đồng mark trở lại trong khi 32% cho rằng không thấy có gì tích cực khi Đức tham gia hệ thống tiền tệ chung châu Âu. Đây là tỷ lệ người Đức ủng hộ đồng mark cao nhất kể từ khi nước này từ bỏ đồng tiền truyền thống của mình để tham gia khu vực đồng euro.
Những thông tin này có làm cho Chính phủ Đức lo lắng? 11 năm trước, Đức đã chi tiền tỷ vào chiến dịch vận động cho đồng euro, nhằm thuyết phục công chúng bỏ phiếu ủng hộ đồng tiền chung châu Âu.
Trên thực tế, đồng mark Đức có giá trị rất cao vào thời điểm đó, nhưng nước Đức là một trong những nền kinh tế lớn nhất EU nên chính phủ nước này không muốn mình đứng ngoài tiến trình thống nhất của khối. Và nay việc đa số người dân muốn chia tay với đồng euro đã tạo thành những đám mây đen mới bao trùm chính phủ liên minh của Thủ tướng Merkel.
Thông tin người dân Đức bắt đầu muốn quay lưng với đồng euro đã bắt đầu xuất hiện khi khối này lâm vào khủng hoảng nợ đầu năm nay. Đức phải gánh một trách nhiệm nặng nề hơn các quốc gia khác dù không lâm vào khủng hoảng nợ công nhưng phải đóng góp nhiều nhất vào quỹ cứu nguy trị giá 600 tỷ euro.
Đức phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc khổ là điều mà đương nhiên cử tri Đức không đồng ý. Chính vì thế mà ngay từ đầu Chính phủ Đức đã chần chừ không chịu thông qua quỹ cứu trợ cho Hy Lạp. Điều này đã làm phát sinh những mâu thuẫn nội bộ khối EU, nhất là giữa Đức và Pháp khi quốc gia nào cũng muốn bảo vệ lợi ích cho nền kinh tế của mình.
Nhiều giới chức Pháp khi đó nói rằng nếu không cứu trợ Hy Lạp, khu vực đồng euro tan rã là lỗi hoàn toàn của Đức. Sau vụ vỡ nợ của Hy Lạp và Ireland, thêm một danh sách đen khác gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia đang mấp mé bờ vực phá sản.
Dư luận Đức tiếp tục phản ứng dữ dội vì không muốn phải trả nợ cho sự quản lý yếu kém của các nước thành viên khác. Từ mâu thuẫn dẫn đến chia rẽ, Liên minh châu Âu vốn được cho là một khối thống nhất nhưng trên thực tế những gì diễn ra lại cho thấy rằng điều này không hoàn toàn đúng. Minh chứng rõ nhất là khi khủng hoảng Hy Lạp xảy ra, phản ứng chung và mãnh liệt nhất lại là tinh thần quốc gia dân tộc cục bộ, vì quyền lợi của từng nước hơn là việc chia sẻ sự khó khăn cho một quốc gia trong khối.
Một bài báo của tờ Guardian tuần rồi đăng tải thông tin Thủ tướng Merkel cảnh báo Đức có thể rời bỏ khu vực đồng euro: “Nếu nhóm euro trở thành câu lạc bộ kiểu này, có lẽ nước Đức cần phải rút ra”.
Nhưng Chính phủ Đức ngay lập tức bác bỏ thông tin này. Chuyện tranh cãi xảy ra trong nội bộ nước Đức cũng cho thấy một dấu hiệu manh nha cảnh báo nguy cơ đối với đồng euro trong tương lai. Số phận của đồng euro sẽ ra sao nếu Đức, quốc gia đầu tàu kinh tế châu Âu bỏ rơi đồng tiền chung trong khối để quay trở lại sử dụng đồng mark cũ.
Mặc dù việc này chắc còn phải mất nhiều thời gian nhưng các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo nếu Đức rời bỏ đồng euro có thể sẽ xảy ra đợt khủng hoảng niềm tin tại châu Âu, khiến nhu cầu tiêu dùng trong khối sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả khu vực kinh tế đang trên đà tăng trưởng chậm.
THANH HẰNG