Nguy cơ nhà máy điện hạt nhân mini của Trung Quốc ở biển Đông

Nguy cơ nhà máy điện hạt nhân mini của Trung Quốc ở biển Đông

Nhà máy điện hạt nhân đang được phát triển này có thể đặt gọn trong một container và có thể được lắp đặt trên một hòn đảo ở biển Đông trong vòng 5 năm tới, tiết lộ của báo Hồng Công SCMP ngày 11-10.

Theo SCMP, Viện Công nghệ An toàn năng lượng hạt nhân (INEST) thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS), một viện nghiên cứu quốc gia đặt tại Hợp Phì, tỉnh An Huy, đang tập trung phát triển nhà máy điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới, mệnh danh là "hedianbao", hay "bộ pin hạt nhân xách tay".

Dài 6,1m và cao 2,6m, có thể được đặt trong một container, nhưng lò phản ứng nhanh làm mát bằng chì (LFR) này có thể tạo đến 10 MW nhiệt, nếu chuyển thành điện năng đủ cung cấp cho 50.000 hộ gia đình.

Theo các nhà khoa học, lò phản ứng có thể hoạt động nhiều năm hoặc nhiều thập niên mà không cần tiếp nhiên liệu và do không phát khói bụi nên cư dân sẽ khó nhận biết sự tồn tại của lò, dù ở trên một hòn đảo nhỏ.

Các nhà nghiên cứu tại INEST hy vọng xuất xưởng nhà máy đầu tiên trong vòng 5 năm. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tài trợ một phần nghiên cứu này.

Một mẫu lò phản ứng được giới thiệu. Ảnh: SCMP

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc thừa nhận công nghệ này tương tự LFR nhỏ gọn đã được Hải quân Liên Xô cũ sử dụng cho các tàu ngầm hạt nhân trong thập niên 1970. Tuy nhiên, có thể Trung Quốc là quốc gia đầu tiên sử dụng công nghệ quân sự như vậy trên đất liền.

SCMP cho biết, các lò phản ứng mini này có thể cung cấp nhiều điện và tạo nước ngọt bằng cách khử muối trong nước biển, nhưng cũng tạo các nguy cơ môi trường nghiêm trọng. Nếu lò gặp sự cố, chất thải phóng xạ sẽ ảnh hưởng không chỉ các quốc gia lân cận mà còn lan khắp thế giới theo các dòng hải lưu mạnh trong khu vực.

Lò phản ứng có thể đặt gọn trong một container. Ảnh: SCMP

Giáo sư Huang Qunying, một nhà khoa học hạt nhân tham gia nghiên cứu, thừa nhận vẫn là một thách thức để thuyết phục mọi người rằng công nghệ này là an toàn để sử dụng.

LFR nằm trong nỗ lực của Trung Quốc phát triển các lò phản ứng thế hệ mới cho ngành năng lượng hạt nhân đang bùng nổ của nước này. Các công nghệ khác, gồm lò phản ứng muối nóng chảy (MSR) và lò phản ứng nhanh làm mát bằng khí (GFR) cũng đang được phát triển nhanh chóng nhờ Chính phủ tài trợ hào phóng.

Theo SCMP, một nhà nghiên cứu môi trường biển, yêu cầu giấu tên, tại Đại học Hải dương Trung Quốc ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, cảnh báo rằng, không thể tránh khỏi việc xả nước nóng phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân vào đại dương, điều này có thể làm thay đổi hệ sinh thái của toàn bộ khu vực quanh một hòn đảo.

"Nhiều cá và sinh vật biển sẽ không thể đối phó những thay đổi môi trường nghiêm trọng từ sự khử muối lớn và sự tăng nhiệt độ nước biển do hoạt động của một lò phản ứng hạt nhân. Nếu một thảm họa hạt nhân xảy ra ở biển Đông, không có ảnh hưởng lập tức với những người sống trên đất liền do khoảng cách rất xa. Nhưng chất thải phóng xạ sẽ nhiễm vào cá và sinh vật biển khác mà chúng ta có thể ăn. Các dòng hải lưu cũng có thể mang chất thải phóng xạ đến các bờ biển xa".

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục