Kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11-3, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Nếu xu hướng này biến thành một trào lưu thực sự, điều này có thể cản trở sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản và dẫn tới tình trạng rỗng ruột của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.
Nhà sản xuất ô tô Nissan đã chuyển bộ phận sản xuất dòng xe March sang Thái Lan. Trong kế hoạch kinh doanh công bố hồi tháng 4-2011, Tập đoàn Panasonic cũng đề cập tới kế hoạch chuyển một số bộ phận thu mua và hậu cần sang các quốc gia châu Á khác. Kết quả thăm dò trung tuần tháng 7 của Nikkei (Nhật Bản) cho thấy, gần 40% số tập đoàn lớn của Nhật Bản có thể sẽ di chuyển một số hoạt động ra nước ngoài trong vòng 3 năm tới nếu tình hình trong nước không cải thiện. Không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang có xu hướng di chuyển ra khỏi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính khiến cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài là do đồng yên liên tục tăng giá so với USD và một số ngoại tệ mạnh khác. Chỉ một tuần sau trận động đất kinh hoàng, ngày 17-3, tỷ giá giữa hai đồng tiền chủ chốt trên thế giới này đã giảm còn 76,25 yên/USD, mức thấp kỷ lục kể từ sau Thế chiến II tới nay. Sau đó, nhờ sự phối hợp can thiệp của các ngân hàng trung ương châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, tỷ giá này mới tăng lên trên mức 80 yên/USD. Tuy nhiên, trong mấy tuần gần đây, đồng yên đã tăng giá trở lại so với USD và các ngoại tệ mạnh khác do các quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và sự phục hồi kinh tế chậm chạp ở Mỹ. Ngày 7-8, tỷ giá ở mức 78,34 yên/USD.
Những năm qua, xuất khẩu các sản phẩm trung gian luôn đóng góp tỷ trọng không nhỏ đối với GDP Nhật Bản (năm 2008 là 9,1%). Tuy nhiên, các nhà sản xuất lớn như Hoya, Mitsui Mining & Smelting... đã tính đến chuyện mở các nhà máy tại Trung Quốc hay Malaysia để giảm chi phí, tăng cạnh tranh.
Một nguyên nhân quan trọng khác là do tình trạng thiếu điện có thể kéo dài ở nước này, ảnh hưởng đến sản xuất. Kết quả thăm dò của Nikkei cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản muốn Chính phủ nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu điện. Có 50,7% doanh nghiệp thấy cần phải có một chính sách năng lượng tổng thể, trong đó có các biện pháp cụ thể khắc phục tình trạng thiếu điện.
Nhật Bản luôn được biết đến với tinh thần quật cường, vượt khó. Sau khi nỗ lực không để xảy ra thảm họa nhân đạo sau thảm họa thiên nhiên, chính phủ và người dân Nhật Bản đang được cả thế giới trông mong sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn mà thách thức kinh tế đem lại.
ĐỖ VĂN