Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Russia Today, Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov cảnh báo việc Taliban hiện nay chỉ muốn đàm phán với Mỹ mà không thông qua Chính phủ Afghanistan là không thể chấp nhận được. Những biểu hiện gần đây của Taliban cho thấy lực lượng này tỏ ra không quan tâm gì tới việc đàm phán về một chính phủ đoàn kết dân tộc mà chỉ muốn chiếm giữ quyền lực, có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến khác ở Afghanistan.
Những quan ngại từ phía Nga diễn ra trong bối cảnh Afghanistan kỷ niệm 12 năm Mỹ mở cuộc tấn công nhằm vào nước này với danh nghĩa tiêu diệt “lực lượng khủng bố Taliban”. 12 năm trước, Mỹ mở đợt tấn công quân sự với cam kết sẽ đem lại hòa bình cho Afghanistan nhưng chỉ chỉ đến năm thứ 11, Chính phủ Mỹ mới nhận ra không thể tiêu diệt hết lực lượng này và bắt đầu tính đến kế hoạch “đi đêm” với Taliban. Washington cho rằng đây là một biện pháp cần thiết bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phía Chính phủ Afghanistan. Tân Hoa xã nhận định, chính sách thay đổi của Washington được cho là đã thúc đẩy việc Taliban mở một văn phòng liên lạc tại Doha tháng 6 năm ngoái, với hình ảnh đại diện là lá cờ Taliban và các biểu tượng của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, tên chính thức của Taliban.
Chính sách thay đổi của Washington đã khoét sâu thêm sự chia rẽ ngày càng lớn giữa chính quyền Tổng thống Karzai và Chính phủ Mỹ. Từ đồng minh thân cận, Chính phủ Afghanistan giờ liên tục chỉ trích những hành động can thiệp quân sự của Washington và các đồng minh. Tổng thống Karzai cho rằng toàn bộ hoạt động của NATO đã gây ra cho người Afghanistan rất nhiều đau khổ khi số dân thường thiệt mạng lên đến hơn 1.000 người. Đề cập đến thỏa thuận an ninh với Mỹ, một hiệp định quy định chi tiết mối quan hệ giữa hai nước sau khi lực lượng NATO rút đi vào năm 2014, ông Karzai không gán cho nó một ý nghĩa quan trọng nào. “Nếu nó không phù hợp với chúng tôi thì cũng sẽ không phù hợp với họ, và hiển nhiên, chúng tôi sẽ đi theo những con đường riêng”, ông giải thích và kết luận: “Nếu thỏa thuận này không mang lại cho Afghanistan hòa bình và an ninh, thì người Afghanistan sẽ không muốn có nó”.
Chỉ cho đến thời gian gần đây, Tổng thống Karzai mới quyết định đề xuất đàm phán với Taliban, tách hẳn mọi sự phụ thuộc vào Mỹ và khẳng định Afghanistan phải có sự tự chủ cho riêng mình. Taliban cũng được hoan nghênh tham gia cuộc bầu cử nếu được người dân Afghanistan tín nhiệm.
Nhưng những động thái từ phía Washington và Kabul khiến các nhà phân tích bày tỏ lo ngại về sự trỗi dậy lớn mạnh của lực lượng này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền chính trị của Afghanistan. Việc cả hai phía thuyết phục thành công Taliban từ bỏ vũ khí để trở thành một lực lượng chính trị ở Afghanistan cho đến nay vẫn khiến dư luận nghi ngờ. Dù Tổng thống Karzai khẳng định sự trở lại của Taliban sẽ không làm suy yếu sự tiến bộ về nữ quyền nhưng cuộc truy sát nhằm vào nhà hoạt động trẻ Malala và những thiếu nữ khác đã cho thấy hình ảnh hoàn toàn ngược lại. Sự hiện diện của Taliban hơn chục năm trước đã gieo rắc sự hà khắc trên toàn đất nước Afghanistan và những người hứng chịu sự đau khổ nhiều nhất là phụ nữ. Liệu sự trở lại của Taliban lần này có thật sự mang lại hòa bình hay chỉ khởi đầu cho cuộc chiến tranh giành quyền lực? Câu trả lời vẫn còn tùy vào những diễn biến sắp tới tại Afghanistan.
THANH HẰNG