Nga sẽ đáp trả chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu bằng cách triển khai vũ khí tấn công mới có khả năng xuyên qua lá chắn này. Đó là khẳng định của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuyên bố của Tổng thống Nga được đưa ra khi Mỹ hoàn tất tiến trình thử nghiệm phức tạp các lớp trong hệ thống phòng thủ tên lửa. Hãng tin AP dẫn lời Tổng thống Nga khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã đưa bóng ma chiến tranh lạnh trở lại.
Tổng thống Nga Putin nói với các quan chức quốc phòng nước này rằng, bằng cách phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, Washington muốn vô hiệu hóa răn đe hạt nhân chiến lược của Nga và đạt được “ưu thế quân sự quyết định”. Ông nói rằng Mátxcơva sẽ phản ứng bằng cách phát triển hệ thống vũ khí tấn công có khả năng thâm nhập vào bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào. Tuyên bố của ông Putin đưa ra giữa lúc quan hệ giữa Nga với Mỹ và các đồng minh NATO đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời chiến tranh lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong nhiều năm, điện Kremlin đã phản đối lá chắn tên lửa của Mỹ, bày tỏ lo ngại rằng nó có thể dần dần đánh chặn tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa của Nga, do đó làm xói mòn sức mạnh của vũ khí nguyên tử của Nga.
Về phía Washington, họ liên tục cho rằng lá chắn tên lửa này nhằm ngăn cản mối đe dọa tên lửa từ các quốc gia như Iran và Triều Tiên và sẽ không có khả năng đối phó với các kho vũ khí hạt nhân của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho rằng Mỹ vẫn tiếp tục triển khai chương trình phòng thủ tên lửa bất chấp đã có thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tổng thống Putin nói: “Iran hay các mối đe dọa tên lửa hạt nhân của Triều Tiên chỉ để che đậy kế hoạch, và nhiệm vụ thực sự của hệ thống phòng thủ tên lửa này là để vô hiệu hóa khả năng hạt nhân của các cường quốc hạt nhân khác, trong đó có Nga”. Người đứng đầu nước Nga cho biết, lấy làm tiếc khi lời đề nghị hợp tác của Nga tham gia chương trình phòng thủ tên lửa này đã không được Mỹ lắng nghe. Tổng thống Putin nói thêm rằng trong tương lai, Nga cũng có thể phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình, nhưng trước mắt sẽ tập trung chủ yếu vào vận hành thử vũ khí tấn công mới xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu thực ra đã được lên kế hoạch từ nhiều đời tổng thống Mỹ trước Tổng thống Barack Obama. Dù với bất kỳ mục đích nào đi nữa, hệ thống phòng thủ tên lửa này được các nhà quan sát cảnh báo không những không tăng thêm an ninh cho châu Âu mà còn kích hoạt một cuộc chạy đua phát triển các loại vũ khí mới nguy hiểm hơn. Hơn nữa, một hệ thống như vậy chưa chắc đã giúp châu Âu an toàn hơn vì nguy cơ khủng bố hiện nay từ chính những “con sói đơn độc” trong lòng châu Âu chứ không từ các nước khác. Tại Israel là một ví dụ, từ khi hệ thống phòng thủ tên lửa “vòm sắt” được triển khai, số lượng rocket bắn từ bên ngoài vào bị vô hiệu hóa, nhưng gần đây, những người nổi dậy chống Israel chuyển sang các vụ tấn công hàng loạt bằng dao càng tăng thêm nỗi ám ảnh của dân chúng.
THỤY VŨ