Một năm về trước, ngày 20-10-2011, Chính phủ Libya sụp đổ sau cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Vào thời điểm đó, phe chống đối chính phủ Libya được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn và giờ là chính phủ mới của Libya, tuyên bố đầy tự tin rằng lịch sử Libya đã sang trang; một quốc gia Bắc Phi dân chủ, đoàn kết, đáp ứng được nguyện vọng của người dân sẽ mau chóng được hình thành. Tuy nhiên, một năm sau, tuyên bố của chính phủ mới Libya vẫn chỉ dừng lại ở những câu nói.
Hôm 7-7 vừa qua, người dân Libya đi bầu quốc hội với hy vọng quốc hội và chính phủ mới sẽ giúp chấm dứt tình trạng bạo lực, đoàn kết các lực lượng cùng đưa đất nước phát triển. Tuy nhiên, cái chết của Đại sứ Mỹ tại Libya vào tháng 9 vừa qua đã cho thấy rõ rằng chính phủ mới không thể kiểm soát được tình hình trong nước.
Chuyên gia Sergey Demidenko, Viện Nghiên cứu chiến lược của Nga, nhận định Libya hiện bị chia rẽ nặng nề bởi yếu tố bộ lạc. Yếu tố này đã trỗi dậy mạnh mẽ trở lại sau sự sụp đổ của chính phủ Gaddafi và ảnh hưởng lớn đến các cơ chế của đất nước. Chính phủ mới của Libya tồn tại chỉ mang tính hình thức”.
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Anatoly Egorin cho rằng khi NATO mở rộng chiến dịch quân sự ở Libya, nhiều chuyên gia đã dự đoán Libya sẽ bị chia rẽ ít nhất làm 3 phần: Tripoli, Cyrenaica và Fezzan. Với tình hình hiện tại của Libya, dự đoán đó có thể gọi là quá lạc quan. Bây giờ, trong tất cả các huyện và thành phố của Libya có “chính quyền” riêng, ông Egorin cho biết.
Điều này được thấy rõ trong vụ bắt giữ Saif al-Islam, con trai của Gaddafi khi một nhóm dân quân ở TP Zintan, Tây Bắc Libya cương quyết không giao Saif cho chính phủ trung ương cho đến khi nhận được tiền chuộc. Trong khi đó, vùng Cyrenaica ở miền Đông Libya đã tuyên bố tự trị.
Theo ông Demidenko, diễn biến tình hình ở Libya có nguy cơ phát triển theo kịch bản Somalia: đất nước tan rã, vô chính phủ. Những hành động chống đối chính quyền trung ương vẫn đang diễn ra tại Libya. Bani Walid trở thành thành trì của phe đối lập.
Hiện lực lượng vũ trang của Chính phủ Libya đang phải dồn sức để trấn áp các tay súng ở Bani Walid. Tuy nhiên, bạo lực có nguy cơ lan rộng khi rất nhiều nhóm phiến quân chống chính quyền trung ương đang xuất hiện ở nhiều TP khác như Ansar al-Sharia tại Bengazhi là một ví dụ.
Việc tranh giành quyền lực trong Chính phủ Libya giữa phe Anh em hồi giáo và phe do Mỹ và phương Tây ủng hộ được cho là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ hiện nay tại Libya. Cựu Đại sứ Nga tại Libya Aleksey Podtserob đã nói rằng nhân dân Libya hiện nay bị chia rẽ hơn bao giờ hết.
Hơn nữa, một số chuyên gia cho rằng những vụ bạo lực gây ra bởi các nhóm phiến quân là nhằm để đáp trả việc chính phủ mới mở rộng việc “đuổi cùng, giết tận” phe thân ông Gaddafi. Những người không vừa ý chính quyền mới đều bị liệt vào danh sách những người ủng hộ nhà lãnh đạo bị lật đổ.
Libya đang đứng trước những khó khăn thật sự trong nỗ lực ổn định và phát triển đất nước. Tuy nhiên, những nhà bảo trợ phương Tây từng giúp lật đổ ông Gaddafi hiện không quan tâm đến điều này. Đối với họ, chỉ cần nhổ được cái gai trong mắt là đạt được mục đích. Chiến lược gây ảnh hưởng đối với khu vực Trung Đông-Bắc Phi đã bắt đầu giai đoạn mới.
Giờ đây, trọng tâm phương Tây là Syria, và mục tiêu chính không có gì khác là lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
ĐỖ CAO