- Triều Tiên đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong, cắt đứt liên lạc quân sự với Hàn Quốc
Ngày 10-2 (giờ địa phương), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thông qua kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại các nước thành viên ở sườn phía Đông của liên minh quân sự này. Động thái của NATO đang làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ một cuộc Chiến tranh lạnh sắp nổ ra giữa Nga với NATO và với cả Mỹ.
Kịch bản Nga - NATO
Phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng động thái trên sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng là “NATO sẽ đáp trả với tư cách là một khối trước mọi hành động gây hấn đối với bất kỳ đồng minh nào”. Theo ông Stoltenberg, một lực lượng đa quốc gia sẽ được thành lập để cho thấy việc tấn công một nước sẽ là hành động tấn công nhằm vào tất cả các nước đồng minh. Phản ứng trước kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu của NATO, đại diện thường trực của Nga tại NATO Aleksander Grushko tuyên bố, NATO đang đi ngược lại những cam kết về tiếp tục đối thoại với Nga. Ông Grushko lưu ý rằng Hiệp ước cơ sở Nga - NATO năm 1997 vẫn là một trong những cột trụ của nền an ninh toàn châu Âu. Phá hoại thỏa thuận đó sẽ làm mất đi những định hướng quan trọng trong lĩnh vực quân sự - chính trị, làm mất ổn định thêm tình hình tại châu Âu. Ông Grushko nhấn mạnh, tình hình an ninh tại châu Âu phụ thuộc trực tiếp vào quan hệ giữa Nga và NATO cũng như nền tảng của quan hệ đó.
Theo kế hoạch của NATO, lực lượng phản ứng nhanh, cơ sở cho lực lượng đồn trú tại 6 nước khu vực Đông Âu sẽ được tăng gấp 3 lần, từ 13.000 lên 40.000 người; đồng thời NATO sẽ thành lập một lực lượng can thiệp hiệu quả có thể được triển khai trong vài ngày với số lượng 5.000 binh lính được không quân và hải quân yểm trợ. Ngoài 6 trung tâm chỉ huy đã mở ở Đông Âu trong năm 2015, từ nay đến cuối năm 2016, NATO sẽ mở thêm 2 trung tâm chỉ huy mới. Bên cạnh đó, NATO cũng triển khai nhiều máy bay chiến đấu trên lãnh thổ các quốc gia Baltic như 4 máy bay F-16 của Bỉ được triển khai từ tháng 1 tới tháng 4-2016, sứ mệnh “cảnh sát trên không” triển khai từ căn cứ không quân ở Amari (Estonia), triển khai nhiều tàu trên biển Baltic và Biển Đen cũng như tăng cường diễn tập quân sự ở Đông Âu. Năm 2017, Mỹ dự kiến cung cấp 3,4 tỷ USD cho sáng kiến “tái trấn an châu Âu” bằng việc đảm bảo sự luân chuyển số lượng binh sĩ trong khu vực cùng với nhiều xe tăng, xe bọc thép.
Một trong những cuộc diễn tập triển khai binh sĩ của NATO tại Latvia
Nga với Mỹ
Một ngày trước khi NATO thông qua kế hoạch trên, phát biểu trước Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper tuyên bố, Mỹ sợ cuốn vào vòng xoáy Chiến tranh lạnh với Nga vì những nỗ lực của Mátxcơva nhằm đối chọi với sức mạnh của Washington có thể đẩy hai bên vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới.
Thực tế, trong những năm gần đây đã manh nha xuất hiện cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới và nguy hiểm hơn giữa Mỹ và Nga. Giáo sư Đại học Princeton của Mỹ Stephen Cohen nhận định việc Mỹ tăng gấp 4 lần chi phí cho các lực lượng Mỹ để chống lại Nga, Lầu Năm Góc đang đẩy thế đối đầu Mỹ - Nga vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới, mà mức độ còn nguy hiểm hơn trước rất nhiều, thậm chí leo thang thành chiến tranh hạt nhân như nhận định của Giáo sư Stephen Cohen trên tờ The Nation trước đây. Các kịch bản xung đột giữa Nga và NATO hay Nga và Mỹ thường xuyên xuất hiện trên các ấn phẩm báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng. Theo giáo sư Cohen, việc Lầu Năm Góc liên tiếp tăng chi tiêu quân sự, việc NATO tăng cường sự hiện diện gần biên giới Nga và vẫn đang kêu gọi các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó với Nga... sẽ buộc Mátxcơva đưa ra biện pháp trả đũa, và có lẽ, các đầu đạn hạt nhân chiến thuật sẽ được Nga triển khai ở biên giới châu Âu.
HẠNH CHI (tổng hợp)