(SGGPO)- Trước thông tin một du khách Úc đã mắc virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đang đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xác minh những nơi mà vị khách này đã đến tham quan và lưu trú.
Phòng dịch Zika tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất TPHCM
Trước đó, du khách này đã nhập cảnh qua Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sau đó di chuyển đến Lâm Đồng, Bình Thuận, Nha Trang. Riêng tại TPHCM, hiện chưa có thông tin chính thức từ Sở Y tế TPHCM cũng như Trung tâm Y tế dự phòng TP về việc du khách Úc đã sinh hoạt, lưu trú ở những địa điểm nào tại TP.
Trao đổi với báo giới, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cũng cho biết vẫn chưa xác định được chính xác những nơi mà du khách Úc đã trú ngụ tại thành phố. “Về mặt dịch tễ, chỉ biết rằng du khách Úc nhiễm Zika đã lưu lại Việt Nam từ ngày 26-2 đến 6-3. Đây là khoảng thời gian trùng hợp với giai đoạn ủ bệnh của Zika từ 3 đến 12 ngày. Do đó có khả năng virus Zika đã lây nhiễm tại TPHCM”, PGS Lân nhận định. Vì thế, ông Lân cho biết, trong hoàn cảnh chưa xác định chính xác vị trí, TPHCM sẽ phải nâng mức cảnh báo lên tình huống thứ 2, đó là xác định có ca nhiễm Zika.
Hiện Viện Pasteur TPHCM đã triển khai 3 giải pháp tổng thể. Trước hết, sẽ liên tục cập nhật thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế Úc về trường hợp nhiễm Zika nhằm xác định chính xác đường đi của du khách tại Việt Nam. Kế đến, ngày 24-3, Viện Pasteur TPHCM triệu tập cuộc họp với 30 cơ sở y tế gồm 23 bệnh viện quận, huyện và 7 bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố, trong đó có cả bệnh viện tư nhân, để tập huấn và triển khai giám sát, lấy mẫu xét nhiệm virus Zika. Theo PGS Lân, hàng ngày, các đơn vị sẽ lấy mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng giống với bệnh Zika như sốt, phát ban… với khoảng 100 đến 200 mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur TPHCM để tiến hành xét nghiệm truy tìm virus Zika. Giải pháp thứ 3 là tiếp tục thực hiện diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi tại một số nơi trọng điểm có nhiều khách du lịch. Cũng theo Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM căn cứ trên yếu tố dịch tễ, nguy cơ xuất hiện dịch Zika tại Việt Nam là rất lớn.
Bệnh do virus Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi đốt, không lây qua tiếp xúc hoặc qua đường hô hấp. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh do virus Zika là phòng chống muỗi đốt bằng những hoạt động thiết thực, đơn giản như: mặc quần áo dài tay, nằm ngủ mắc màn, sử dụng kem xoa chống muỗi. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình cần chủ động diệt lăng quăng/bọ gậy bằng những hoạt động định kỳ hàng tuần như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá,... và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Để chủ động phòng chống dịch do virus Zika, người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết; Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị; Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.
Ngày 24-3, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã chỉ định 2 phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đưa vào hoạt động hai phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng khẳng định, hiện tại Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực chẩn đoán phát hiện virus Zika nên người dân không nên quá lo sợ. Để chẩn đoán đúng với virus Zika, cần làm 2 phương pháp: chẩn đoán huyết thanh và chẩn đoán phân tử. Trong đó, chẩn đoán huyết thanh sẽ có thể dẫn tới sai số nên cần hướng tới chẩn đoán phân tử. Những người nghi nhiễm virus Zika, sốt xuất huyết có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào để khám, cũng như làm các xét nghiệm cần thiết. Đặc biệt, những bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhưng qua xét nghiệm lại cho kết quả âm tính cần phải nghĩ ngay tới việc nhiễm virus Zika.
Tin, ảnh: TƯỜNG LÂM