Nguyễn Kim Vui vẫn nhọc nhằn sau thảm đấu

Nguyễn Kim Vui vẫn nhọc nhằn sau thảm đấu

Chào đời năm 1970 trong một gia đình lao động nghèo và đông con, tuổi thơ Kim Vui đã trải qua những tháng ngày cực nhọc. Học xong cấp 2 tại Trường PTCS Nguyễn Du (quận 1 - TPHCM), cô phải sớm từ biệt mái trường.

Ở nhà, ngoài chuyện bếp núc, Kim Vui cặm cụi học vẽ. Đến năm 18 tuổi, cô tập judo tại CLB Hồ Xuân Hương (quận 3) cùng thầy Nguyễn Hữu Huy và cô Nguyễn Thị Ngọc Chi. Gia cảnh khó khăn, Kim Vui vừa tập võ, vừa làm nhiều việc khác: phụ xế xe lam tuyến đường Kho 11, vẽ đũa sơn mài xuất khẩu… Năm 1993, Kim Vui được chọn vào đội dự tuyển quốc gia và đoạt HCV giải VĐ Judo Đông Nam Á năm 1994.

Kim Vui và chiếc HCV SEA Games 19 (ảnh tư liệu).

Kim Vui và chiếc HCV SEA Games 19 (ảnh tư liệu).

Chuẩn bị cho SEA Games 19, theo dự kiến, Phương Trinh sẽ thi đấu hạng cân 48kg, còn Kim Vui đảm đương hạng cân 52kg. Chẳng may, trong một cử dợt ở Đài Loan - Trung quốc, Phương Trinh bị chấn thương, nên ban huấn luyện đã quyết định đưa Kim Vui thay thế. Quả là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đè lên vai cô gái hiền hòa này, vì đây là hạng cân từng mang vinh quang về cho đất nước trong 3 kỳ SEA Games 16, 17 và 18.

Nhưng rồi Kim Vui đã mang về cho Judo Việt Nam chiếc HCV thứ 2 trong cuộc chiến lần đó (chiếc HCV còn lại do công của Bùi Thúy Quỳnh). Bằng tất cả tài năng, ý chí và sự phấn đấu vươn lên, lần đầu tiên có mặt tại cuộc tranh tài quan trọng nhất khu vực, đảm đương trọng trách lớn - “cascadeur” Kim Vui đã hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, trọn nghĩa tình với người đồng môn Phương Trinh và thực hiện được ước mơ nung nấu từ những năm trước.

Kim Vui giã từ thảm đấu từ năm 2001 với gối phải thường xuyên đau nhức. Cô cho biết: “Gối phải của tôi bị thốn từ năm 1999. Trong cuộc chẩn đoán năm 2000, bác sĩ Nguyễn Văn Quang cho biết gối phải của tôi bị lão hóa sụn do tập luyện quá tải. Bác sĩ Quang có đề nghị mổ nhưng vì tôi đã nghỉ thi đấu nên thôi. Nhiều lúc đi lên cầu thang, tôi phải dùng tay chống gối…”.

Trở lại với đời thường, Kim Vui phụ giúp một người bạn đi giao hàng nơi này nơi khác từ 9 giờ sáng cho đến tối và có hôm kết thúc lúc 22 giờ. Chưa có nghề nghiệp ổn định và khá vất vả nhưng đối với Kim Vui thì “tự mình phải lo cho bản thân chứ buồn và than thân trách phận cũng chẳng ích lợi gì vì có ai giải quyết được đâu, quy luật cuộc sống là thế, không nên quá so đo. Sở TDTT TPHCM cũng từng đề nghị tôi học Đại học TDTT, nhưng vì tôi quyết định không đeo đuổi ngành này nên… không học”… 

THIỆN TÂM

Tin cùng chuyên mục