Khác với đội Đức, Tây Ban Nha dường như đã khoe hết những gì mạnh nhất, hay nhất và… đẹp nhất trong trận hòa Italia 1-1. Về nguyên tắc, đã hay nhất thì khó mà hay hơn được nữa.
1.Giữa một đội “đá dở” mà vẫn thắng như Đức và một đội “đá hay” như Tây Ban Nha nhưng hòa, bạn chọn đội nào? Để bình chọn nhà vô địch tương lai, trái tim người hâm mộ đương nhiên sẽ chọn một đội như Tây Ban Nha. Nhưng về lý trí, hãy hướng tới các đội như Đức.
Bởi bóng đá ngày nay đã “khoa học” hơn trước nhiều rồi. Mẫu số chung của một đội vô địch ở các kỳ EURO hoặc World Cup gần đây là nguyên lý điều chỉnh. Theo đó, quan trọng nhất không chỉ là đá tốt ngay từ đầu mà phải biết cân chỉnh, tính toán sao cho mỗi trận một tốt hơn, để chơi tốt nhất và đạt hiệu quả cao nhất ở chính trận đấu quyết định nhất. Về điểm này, bóng đá Đức luôn luôn đi đầu. Cũng giống như nước Đức luôn đi đầu châu Âu về kinh tế và khoa học kỹ thuật vậy.
2.Trận thắng Bồ Đào Nha 1-0 (bảng B) cho thấy đội hình Đức đã chỉnh xong khâu phòng ngự vốn từng bị Thụy Sĩ đánh sập 5 lần trong một trận tập huấn trước giải. Chỉ cần thay đổi 2 vị trí ở khu vực trung vệ và hậu vệ cánh, họ không chỉ vô hiệu hóa Cristiano Ronaldo ở cánh bên này mà còn làm cho Nani mất dạng luôn ở cánh bên kia. Chỉ cần như vậy, họ đã đạt được một nửa yêu cầu là không thua. Đến phút 72, họ đạt tiếp nửa còn lại - thắng trận - bằng pha đánh đầu “từ trên trời rơi xuống” của Mario Gomez, một Gomez bất ngờ được chọn thay cho chuyên gia đánh đầu Klose.
Thế đấy, phòng thủ tốt, tấn công tuy chưa tốt nhưng cũng chỉ cần một nhát một là xong. Và như HLV Joachim Loew đã nói, trận đầu tiên cũng chỉ cần có vậy: Thắng, lấy trọn 3 điểm, từ đó tiếp tục cân chỉnh tiếp cho khâu tấn công. Cân chỉnh ở chỗ “làm sao giữ được nhịp điệu trên tuyến đầu” để tấn công mạnh mẽ hơn, khí thế hơn và ghi bàn nhiều hơn.
3.Với Tây Ban Nha thì khác. Có vẻ như HLV Del Bosque đã khoe hết những gì mạnh nhất, hay nhất và… đẹp mắt nhất ở đội bóng này trong trận ra quân với Italia. Cụ thể, cái hay nhất và đẹp mắt nhất của họ là những pha phối hợp nhỏ đầy biến hóa khi chiếm lĩnh phần sân đối phương và tổ chức tấn công chung quanh vòng cấm địa. Cái mạnh nhất, nguy hiểm nhất là sau khi đội hình gồm toàn hậu vệ và tiền vệ tấn công của họ đã làm cho Italia mệt lử, 2 lần thay người với tiền vệ cánh Navas và tiền đạo Torres vào sân từ phút 64 trở đi đã tức khắc tạo ra hàng loạt cơ hội ghi bàn thật sự rõ rệt.
Tuy nhiên, vậy cũng là… “lộ bài” quá rồi! Những bài bản thi đấu của Del Bosque đã một lần nữa bị “khoanh vùng”. Ông sử dụng cặp Xavi-Iniesta điều phối, kiến thiết các pha phối hợp trung lộ để cốt làm sao đưa được David Silva, Fabregas hoặc một… ai đó vào vị trí ghi bàn. Tức là tấn công như Barcelona vậy - và quả thật nhân sự tấn công của Tây Ban Nha cũng chính là Barca, chỉ khác ở chỗ thay vì Messi thì đó là David Silva mà thôi.
4.Cái ưu của phương thức ấy đã rõ: Ưu thế cầm bóng 60%, ưu thế dứt điểm 15-13 và ưu thế về phạt góc 7-2. Ngược lại, sự lệ thuộc ở Xavi-Iniesta cũng có cái nhược: Vì mất chân sút David Villa, một vị trí cực kỳ nguy hiểm khi xuất kích từ cánh trái, hàng công mất rất nhiều công sức di chuyển và mất hơn một giờ thi đấu mới bắt đầu tạo ra được cơ hội ghi bàn thật sự rõ rệt trước một đối thủ phòng ngự kín kẽ. Đồng thời, vì đã mất Puyol, có ưu thế phạt góc cũng… bằng không do chẳng còn ai để uy hiếp bằng bóng bổng.
Tương tự, cũng vì mất trung vệ Puyol, tuyến dưới quá dễ bị xẻ làm đôi bởi những đường chuyền phản công của đối phương. Hãy thử đặt một câu hỏi: Nếu Italia tận dụng tốt 4-5 tình huống ghi bàn rõ rệt của họ trong hiệp một, nếu không nhờ đôi tay tin cậy của Cassilas ở những thời điểm ngặt nghèo đó, trận đấu của Del Bosque sẽ đi về đâu?
Từ câu hỏi ấy dẫn tới một câu hỏi khác: Chiến dịch EURO của Tây Ban Nha sẽ trôi về đâu nếu các đối thủ kế tiếp sẽ nhằm vào cặp nhạc trưởng của họ để triệt hạ, đồng thời nhằm vào khoảng giữa trung vệ-hậu vệ cánh của họ để phản công?
5.Những đối thủ kế tiếp ở đây dĩ nhiên không phải là Croatia hay CH Ailen rồi. Trong bảng C này, dường như chỉ mỗi Italia mới đủ đai đẳng để chơi với Tây Ban Nha như vậy. Nhưng vấn đề là từ tứ kết trở đi. Sẽ có một lúc nào đó Tây Ban Nha đụng phải một đối thủ hạng nặng như Đức. Đó sẽ là lúc Tây Ban Nha còn gay go hơn 60 phút đầu tiên của trận hòa Italia vừa qua. Vì như đã nói ở trên, người Đức giỏi tính toán lộ trình và dứt khoát họ sẽ tính được một khi Tây Ban Nha lộ hết bài.
Hưng Nguyên