(SGGPO).- Nguyễn Vĩnh Bảo - Những giai điệu cuộc đời là nhan đề cuốn sách gần như một hồi ký ghi lại những câu chuyện cuộc đời và cái duyên son sắc với âm nhạc truyền thống Việt Nam của bậc thầy trăm năm - nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.
Cuốn sách do GS.TS Nguyễn Thuyết Phong chủ biên, TS Nguyễn Thị Kim Ửng và ThS Nguyễn Thúy Uyển đồng tác giả; Đại học Hoa Sen và NXB Hồng Đức phát hành.
Sách dày 355 trang, bao gồm 6 phần nội dung: Những giai điệu cuộc đời; Tinh tường và tinh tế; Nhớ; Cải tiến đàn tranh; Nhiều góc nhìn - Một tâm trạng; Hình ảnh và tư liệu.
Bìa cuốn sách Nguyễn Vĩnh Bảo - Những giai điệu cuộc đời
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nổi bật với mái tóc bềnh bồng trắng, ánh mắt tinh anh, dáng người nhỏ nhưng toát lên một trí tuệ tầm cỡ, bình thản trước mọi sự, dí dỏm sâu sắc và tràn đầy bác ái. Đó là hình ảnh người nghệ sĩ, người thầy vĩ đại mà gần gũi với bao thế hệ nghệ sĩ, thính giả trong và ngoài nước đam mê đờn ca tài tử trong âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 (năm Mậu Ngọ) tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tổng Phong Thạnh, tỉnh Sa Đéc. Lớn lên trong một gia đình giỏi đàn ca, Nguyễn Vĩnh Bảo tiếp xúc với cây đàn đoản từ năm 5 tuổi. Đến năm 10 tuổi, Vĩnh Bảo đã đàn khá hay đàn đoản, đàn kìm và đàn gáo.
Mười bốn tuổi, ông quyết định sống tự lập, bắt đầu bôn ba khắp nơi, làm nhiều nghề, biết nhiều thứ tiếng, và một điều bất di bất dịch: tiếng đàn đồng hành với ông trong mọi hoàn cảnh. Ông sớm có tình yêu sâu nặng và thủy chung với bà Nguyễn Thị Trâm Anh, sau này là người bạn đời mà ông luôn yêu quý. Vợ chồng nhạc sư có tổng cộng 7 người con.
Trong phần “Những giai điệu cuộc đời” - TS Nguyễn Thị Kim Ửng chấp bút qua lời kể của nhạc sư Vĩnh Bảo, hai mảng nội dung “giai điệu” và “cuộc đời” đan xen, xuyên suốt.
Bằng tấm lòng rộng mở và sự mẫn cảm đặc biệt, nhạc sư Vĩnh Bảo thâu nạp mãnh liệt âm thanh và hình ảnh từ cuộc sống xung quanh rồi chắt thành tiếng nhạc. Ông rung động trước cánh hoa rơi, rưng rưng đặt vào túi áo; ông bồn chồn nghe tiếng khóc của trẻ hàng xóm giữa đêm khuya mà mang thuốc sang thăm, kịp thời cứu được mạng người lúc nguy cấp; hay tiếng ễnh ương kêu ềnh ang dưới ao sen trong đêm tịch mịch mà làm ông động lòng nghiền ngẫm sáng chế ra dây Tỳ (hò - liu - sol - sol), dây Xề (re - sol) trên cây đàn gáo… Ở chiều ngược lại, “âm nhạc giúp tôi cảm thấy cuộc sống phong phú, muôn màu muôn vẻ, thấy vạn vật xung quanh đầy thơ và nhạc”, nhạc sư chia sẻ.
Chương “Tinh tường và tinh tế”, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong thể hiện sự bất ngờ, lòng ngưỡng mộ trước sự tinh tường nghệ thuật nước nhà và tinh tế trong âm nhạc, quan điểm âm nhạc của nhạc sư Vĩnh Bảo. Nhạc sư là pho tư liệu sống quý giá cho những ai đam mê nghiên cứu lịch sử Nhạc viện TPHCM nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung tìm đến.
|
Chương “Nhớ”. Vì sao là “Nhớ”? Vì trí nhớ của nhạc sư Vĩnh Bảo - mà GS.TS Nguyễn Thuyết Phong gọi là “trí nhớ ngoại hạng” - khiến người ta vừa thán phục vừa xúc động. Ít ai nhớ được hết hơn 200 bạn đàn, nhớ đường phố Sài Gòn xưa ra sao nay thế nào, nhớ rõ từng chuyến xe… Kể về bạn đàn, bạn sinh năm nào, quê quán ở đâu, nhân dạng ra sao, chơi đàn gì, bối cảnh câu chuyện thế nào… đều được vị lão sư bách niên kể vanh vách, sống động… Chẳng hạn, khi tả người: “Ca sĩ Hồng Châu cao khoảng 1,6m, người to to, đầu tóc dài và uốn bồm xồm như ổ quạ, ca Vọng cổ nhịp 8 “Cộp, cộp, Bonjour Thầy Ba”, “Đêm lụng canh trường”,…”; khi tả tính, tả tài: “Sáu Tửng… Tiếng đàn phát ra nghe rất anh hùng và tự tin. Chữ đàn sắp xếp sắc sảo, câu cú tròn vành rõ nghĩa, hơi nào ra hơi nấy, tiết tấu mắc mỏ, mùi…”…
“Nhớ” còn ghi lại những cái duyên gặp gỡ đáng nhớ trong cuộc đời nhạc sư. Đó là cái duyên gặp GS.TS Trần Văn Khê năm 1947 khi giáo sư Nguyễn Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê cùng dạy học ở trường Trung học Ngô Quang Vinh, đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh) để rồi sau đó hai ông trở thành bạn tri âm, tri kỷ. Hay cuộc hội ngộ bất ngờ năm 1971 với Giám đốc Museum Carbondale - ông Basil Hedrick tại Sài Gòn rồi được vị này kết nối để giáo sư Vĩnh Bảo sang Mỹ dạy đàn tại Trung tâm Việt học (Center for Vietnamese Studies, University of Southern Illinois, Carbondale), và đi thuyết giảng nhạc Việt tại nhiều trường đại học như Denver (Colorado), Urbana Champagne, Washington D.C…
“Năm 20 tuổi (1938), tiếng đàn gáo của Nguyễn Vĩnh Bảo được ghi vào đĩa Béka cùng với Năm Nghĩa đàn tranh, Ba Cân đàn kìm cho cô Ba Thiệt ca Vọng cổ nhịp 16. Đó là đĩa nhựa âm nhạc cổ truyền Việt Nam đầu tiên đi vào điện khí”.
Năm 2005, Nguyễn Vĩnh Bảo được tặng giải thưởng Đào Tấn. Năm 2006, ông là nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam được vinh danh qua tham luận tại Hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới (Society for Ethnomusicology) tại Hawaii. Năm 2008, Đại sứ Pháp tại Việt Nam thay mặt Bộ Văn hóa Pháp tặng ông huân chương cao quý “Officier des Arts et des Lettres”.
Đặc biệt, nhạc sư Vĩnh Bảo chính là cha đẻ của chiếc đàn tranh cải tiến 17, 19, 21 dây. Ý nghĩa và vai trò của sự đóng góp này của nhạc sư được thể hiện rõ trong phần 4 của cuốn sách: “Cải tiến đàn tranh”, do ThS Nguyễn Thuý Uyển trình bày.
Tính bác học và sự gần gũi được dung hòa trong cuốn sách, giúp cho độc giả dù trong giới chuyên môn hay ngoại đạo đều có thể tìm được những trang yêu thích cho riêng mình. Và Nguyễn Vĩnh Bảo - Những giai điệu cuộc đời là một cuốn sách quý giá về một nhạc sư, “một nhân chứng không thể chối cãi” cao tuổi nhất của nhạc dân tộc Việt Nam.
Về các tác giả: - GS.TS NGUYỄN THUYẾT PHONG: Tốt nghiệp Tiến sĩ Âm nhạc học hạng “Tối danh dự” tại Viện Đại học Sorbonne (Paris, 1982). Chủ nhân bộ sưu tập Phong Nguyen Collection (bộ sưu tập lớn nhất về Việt Nam tại Trung tâm Giáo dục Toàn cầu, New York, và Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ). Năm 1997, ông là người Việt duy nhất được Tổng thống Bill Clinton phong tặng danh hiệu Danh nhân Di sản Quốc gia Hoa Kỳ. Năm 2001 được ghi tiểu sử trong Đại Từ điển Danh nhân Âm nhạc Thế giới The New Grove (Anh Quốc). - ThS NGUYỄN THÚY UYỂN: Tốt nghiệp cao học ngành Sư phạm piano (2008) tại Nhạc viện TPHCM và cao học ngành Biểu diễn piano tại Đại học Monash, Úc (2011). |
LÂM AN