Gần 12 giờ trưa, ông cụ bán vé số tấp xe đạp vào quán cơm để trú tạm cơn mưa đang tầm tã ngoài trời. Dòm thấy kẻ ra người vô ăn cơm, nhưng ông vẫn ái ngại không dám bước vào, vì xấp vé số trên tay còn bộn, tiền lời sợ không đủ tiền cơm. Một người đàn ông trong quán bước ra xởi lởi, cầm tay mời ông cụ vào, bưng ra khay cơm nóng hổi, đậu hũ sốt cà, mì căn kho, chút măng xào và kèm theo ly chè hạt sen mát lạnh. “Ăn ngon miệng nha bác, hông có tính tiền bạc gì đâu nghen. Ngày mai, ghé con ăn nữa nha!”.
Gần gũi như nhà mình
Người đàn ông dặn dò ông cụ nhẹ nhàng, rồi tiếp tục rảo qua các bàn, dọn dẹp khay cơm khách đã ăn; bưng thêm dĩa rau, chén cơm thêm cho khách. Ông cụ ung dung ngồi ăn. “Mừng quá xá, nãy giờ bụng đói mà tui không dám vô, nay bán ế quá!”, bác Nguyễn Văn Tài (70 tuổi, bán vé số) vừa dùng cơm vừa kể.
Có bữa khách đến ăn, người dúi vào tay anh chai dầu, người chai nước tương, gói hạt nêm… Anh cầm lấy, mà lòng mừng rơn, cảm động: “Mình làm lâu nay được mọi người ủng hộ vầy mừng lắm. Chứ mấy ngày đầu mới mở nhà ăn tưởng đâu là xong rồi. Lúc đó, bà con chưa biết, tới ăn ít lắm, bây giờ tới ăn còn gửi lại chút quà nữa, quý lắm!”, anh Trần Thanh Long bộc bạch. |
Bác Tài cũng vội vã dắt xe đạp để đi bán cho kịp chiều xổ số. “Còn nhiều quá, thôi con lấy chục tờ ủng hộ bác luôn”, anh hớn hở nói, nhưng bác Tài thì e ngại: “Thôi cho tui ăn bữa cơm là tui mừng lắm rồi”. Anh cười, chỉ tay vô cái bảng trong quán, rồi nói: “Nãy trời mưa gió quá, con sợ tấm bảng ngã ra đường trúng người ta, mấy anh em đem vô để đây nên bác không thấy đó chớ. Bác dòm coi, tấm bảng ghi là “Nhà ăn không đồng”, tức là hông có tính tiền bạc gì hết, ai ghé ăn cũng được. Nay là làm quen rồi hen, mai ghé con ăn nữa nha”. Ông cụ mừng rỡ ra mặt: “Tui có biết đâu, nãy giờ không dám ăn mạnh luôn”. Trả tiền cho ông cụ, anh cầm 10 tờ vé số chia cho mấy người phụ ở quán cơm: “Mua giùm, mưa gió thấy thương ông già quá, mà hên trúng số là mở thêm cái nhà ăn nữa nha”. Cả nhóm cười, rồi ai nấy lau chùi, dọn dẹp, cơm canh, rau, chè trong bếp đều hết sạch.
Ở TPHCM này đã không còn xa lạ gì với những quán cơm 2.000 đồng, 5.000 đồng… nhưng cái tên “Nhà ăn không đồng” khiến người ta thấy khác biệt và thắc mắc. Anh Trần Thanh Long, 38 tuổi, ngụ quận 7, giải thích: “Nếu mà viết số 0 thì tức là cũng có tính toán, có số liệu trong đó. Nên ngay từ đầu khi mở nhà ăn, tụi tui viết chữ “không”, nghĩa là không lấy tiền của khách và không có phân biệt, dù là ai đến đây thì cũng được tiếp đón, niềm nở như nhau hết. Và hơn hết đây là nhà ăn chứ không phải quán ăn, để mọi người đến đây ăn cơm luôn cảm thấy gần gũi, chan hòa như ở nhà”.
Người khơi duyên lành
Hơn 9 giờ sáng, “Nhà ăn không đồng” (35 đường số 15, phường Tân Kiểng, quận 7) rộn ràng, trong nhà, nhóm người lặt rau phía trước, người lui cui chuẩn bị bàn ghế, khăn trải bàn; gần bếp, nhóm khác chuẩn bị xoong nồi… Tất cả đều là người trong một nhà hoặc bạn bè của anh, mỗi người phụ một tay, làm một việc để duy trì nhà ăn suốt hơn 2 năm qua. Nhà ăn mở từ thứ hai đến thứ sáu, riêng 2 ngày cuối tuần, anh Trần Thanh Long dành thời gian nấu cơm để phát ở các bệnh viện. Mỗi ngày một món và mỗi tuần sẽ có một ngày có món nước như: mì Quảng, bánh canh, hủ tiếu, nui… để khách không bị ngán.
Xen ngang giữa cuộc trò chuyện, điện thoại báo hết gas từ một nhà ăn khác (nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7), anh lật đật gọi để bếp nấu cho kịp giờ trưa. Anh tiếp câu chuyện: “Nhà ăn không đồng tính tới bây giờ được hơn 2 năm rồi, cũng may được mọi người ủng hộ, nên giờ có tới 7 chi nhánh. TPHCM 3 cái, còn lại là ở Tiền Giang, Vũng Tàu và một cái mới mở ở Đà Lạt”.
Không kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ, cũng không nhận tiền bạc gì từ khách ăn cơm, kinh phí để duy trì các nhà ăn chủ yếu do anh và vài người bạn tự bỏ ra. “Chuyện làm ăn cũng may mắn thuận lợi, đủ lo cho gia đình rồi thì mình cố gắng duy trì nhà ăn thôi, mở rộng chi nhánh nào thì mừng chừng ấy. Mấy anh em tự chung tay với nhau, cố gắng hết sức để duy trì mọi thứ lâu dài, ngày nào cũng tranh thủ chạy đi chạy lại các nhà ăn, còn ở tỉnh 1-2 tuần mình tới một lần. Nhà ăn không đồng nhưng không vì thế mà mình bỏ phế, phải chăm chút từng thứ một, nắm rõ tình hình mỗi nơi để mình biết mà cải thiện tốt hơn mỗi ngày”, anh Long chia sẻ.
Từng phần cơm trao đi luôn được chăm chút tỉ mỉ, từ khâu chọn nguyên liệu, đến sơ chế và chế biến. Vì là cơm chay, nên khâu chọn gạo phải là loại ngon, nấm hương, nấm mối cũng được chọn làm nguyên liệu thường xuyên trong bữa ăn, còn với những món nước, phần nước dùng luôn được nấu từ nước dừa tươi. “Ăn chay mà, nên chọn nguyên liệu kỹ lắm, để mọi người tới ăn không bị ngán. Mỗi ngày, nấu khoảng 200 phần, nhưng bữa nào nấu món nước thì tiền mua dừa để lấy nước cũng khoảng 1 triệu đồng rồi. Nhưng kệ, miễn sao bà con tới ăn ngon miệng, bữa nào hết bữa đó không có ế là vui nhất rồi”, anh hóm hỉnh kể.
“Của cho không bằng cách cho, nhiều khi cứ cho đại một cách hời hợt mà không nghĩ đến cảm nhận của người nhận thì không phải là một cách làm hay”, anh tâm niệm. Tiếp lời anh, anh Lữ Văn Tiến (45 tuổi, người bạn cùng mở Nhà ăn không đồng với anh Long) chia sẻ: “Trước khi bắt đầu mở Nhà ăn không đồng này, tụi tui đi phát cơm ở nhiều bệnh viện, gặp nhiều nhóm làm thiện nguyện. Nhưng chắc vì không đủ người và không có thời gian, nên các nhóm đặt cơm tiệm rồi mang đến phát ở bệnh viện, mà cơm tiệm thì sao bằng cơm mình tự tay nấu được, có bữa cơm khô và cứng lắm, nhiều khi mình còn không nuốt nổi thì người nhận ăn sao trôi. Nên từ khi mở nhà ăn, người nhà, bạn bè mỗi người nhín chút thời gian, phụ một việc, mọi thứ đều phải chọn kỹ lưỡng, cơm đến tay người nhận mới ngon được”.
“Vì sao chọn những món chay cho nhà ăn?”, câu hỏi của tôi khiến anh trầm ngâm: “Từ khi có ý định mở nhà ăn, tôi đã nghĩ đến những món chay, vì bản thân tôi và gia đình, cùng những người bạn mở quán đều ăn chay trường, phục vụ món chay mình dễ dàng quan sát, theo dõi hơn. Hy vọng Nhà ăn không đồng này có thể gieo một duyên lành, để tất cả mọi người cùng đến ăn bữa trưa và những ai thích ăn chay có một điểm hẹn cùng nhau”.
Mùa này những cơn mưa kéo dài, khách đến nhà ăn thường phải chịu trận, ngồi lại chờ tạnh mưa rồi mới đi làm, đi bán tiếp. Trong nhà ăn, các anh luôn pha sẵn bình trà nóng, để khách ngồi lại nói chuyện. Để rồi, tạnh mưa ai nấy trở lại với guồng quay công việc. Không chỉ đỡ được một bữa cơm cho bà con, mà chính cái cách cho - nhận thấm đẫm tình người, ân cần trong câu nói: “Mai ghé con/em ăn nữa nha!”, khiến người ta thấy thành phố này luôn dễ thương, tình người gần gũi, dịu dàng đến lạ, dù chỉ là người dưng đối đãi với người dưng.