Nhà báo - giáo sư Tom Plate: Tôi rất muốn viết sách về đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tom Plate, nhà báo và giáo sư đại học người Mỹ (ông giảng dạy tại đại học Loyola Marymount ở Los Angeles), một nhân vật quen thuộc với độc giả trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng qua những cuốn sách: Lời thú tội của một nhà báo Mỹ, Đối thoại với Lý Quang Diệu, Đối thoại với Mahathir Mohamad, Đối thoại với Thaksin Shinawatra, Đối thoại với Ban Ki-moon. Bốn cuốn sau thuộc dự án sách “Những người khổng lồ châu Á” của ông, được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tại Việt Nam. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trò chuyện với ông về bộ sách này.* Phóng viên:
Nhà báo - giáo sư Tom Plate: Tôi rất muốn viết sách về đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tom Plate, nhà báo và giáo sư đại học người Mỹ (ông giảng dạy tại đại học Loyola Marymount ở Los Angeles), một nhân vật quen thuộc với độc giả trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng qua những cuốn sách: Lời thú tội của một nhà báo Mỹ, Đối thoại với Lý Quang Diệu, Đối thoại với Mahathir Mohamad, Đối thoại với Thaksin Shinawatra, Đối thoại với Ban Ki-moon. Bốn cuốn sau thuộc dự án sách “Những người khổng lồ châu Á” của ông, được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tại Việt Nam. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trò chuyện với ông về bộ sách này.

* Phóng viên:
Vì sao ông quyết định thực hiện dự án sách Những người khổng lồ châu Á?

* TOM PLATE: Mùa thu năm 2008, nhà xuất bản Marshall Cavendish liên hệ với tôi và đề xuất ý tưởng làm một cuốn sách về Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore. Ý tưởng đưa ra là tôi phải cố gắng để thấu hiểu được những suy nghĩ của nhà lãnh đạo châu Á kiệt xuất này qua một loạt cuộc đối thoại cởi mở. Tôi tán thành ý tưởng này. Lúc đó tôi có thế mạnh viết về châu Á - chuyên mục duy nhất cho một tờ báo tại Mỹ. Marshall Cavendish đã từng xuất bản cuốn tự truyện về truyền thông của tôi Lời thú tội của một nhà báo Mỹ.

Bản thân cuốn sách này cũng đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Sau rất nhiều lần bàn thảo tiếp theo, chúng tôi quyết định phát triển ý tưởng xuất bản một bộ sách, đặc biệt sau khi cuốn Đối thoại với Lý Quang Diệu vẫn nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất tại châu Á trong suốt 40 tuần (cuốn sách bán chạy nhất trong 9 tuần đầu tiên).

Tôi đưa ra ý tưởng là bộ sách này sẽ giúp mọi người hiểu được tại sao châu Á đã có những bước phát triển nhanh chóng, đồng thời sẽ cung cấp những thông tin nguồn quan trọng cho các nhà sử học tương lai, mà nếu không có những cuốn sách này, thì chắc chắn sẽ không thể có được.

Tom Plate (trái) trong một cuộc đối thoại với Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon tại New York, Mỹ.

Tom Plate (trái) trong một cuộc đối thoại với Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon tại New York, Mỹ.

* Sau Đối thoại với Ban Ki-moon, cuốn tiếp theo của dự án là gì?

* Hiện tại tôi tạm ngừng dự án “Những người khổng lồ châu Á” để hoàn thành hai cuốn sách cho chuyên mục trên báo của tôi. Và tham vọng của tôi là một ngày nào đó sẽ xuất bản được những cuốn sách về một nhà lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia... và chắc chắn phải có một nhà lãnh đạo Việt Nam.

* Trong số những người đã phỏng vấn cho dự án sách, người nào ông khó tiếp cận nhất?

* Trong số 4 người khổng lồ, tôi không thấy ai khó tiếp cận. Khi Lý Quang Diệu đồng ý, cửa luôn để ngỏ. Còn Mahathir thì sẵn sàng. Tôi tiếp cận Thaksin, lúc đó đang tị nạn tại Dubai, qua em gái và một cựu bộ trưởng trong nội các của ông. Ban Ki-moon, cựu ngoại trưởng Hàn Quốc - Tổng thư ký Liên hiệp quốc, đồng ý bởi ông đã biết về công việc của tôi từ lâu rồi và ở mức độ nào đó ông tin tôi.

Đề xuất của tôi cũng được vợ ông, bà Soon-taek hưởng ứng và chính bà đã khuyến khích ông. Nhưng Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon là người khó phỏng vấn nhất, bởi nhiều lý do. Trong đó, bản tính cẩn trọng của ông cũng như sự nhạy cảm trên cương vị Tổng thư ký Liên hiệp quốc khiến ông khó bộc lộ. Tôi đã đi lại New York rất nhiều lần và hơn cả thời gian dự kiến. Ông Ban Ki-moon chưa bao giờ nói không với tôi, mặc dù lịch làm việc của ông luôn dày đặc, bao gồm cả việc đi lại. Cuối cùng, ở một lần gặp trong vòng hai giờ, ông nhìn tôi và hỏi “Giờ anh đã có đủ thông tin chưa?”. Tôi cười và nói “Vâng, sự thử thách đã qua”. Khi đó ông cười.

* Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với ông?

* Kỷ niệm đầu tiên là buổi làm việc lần thứ hai với ông Lý Quang Diệu, lúc đó ông đã 86 tuổi và sức khỏe không được tốt lắm. Trước đó tôi đã phỏng vấn ông 5 lần và tôi thực sự ấn tượng khi thấy ông không những là người khá minh mẫn mà là người tràn đầy sinh lực. Giờ đây tôi đang phải chứng kiến ông già đi và yếu dần. Tôi luôn yêu mến ông và giờ vẫn vậy... Mahathir của Malaysia là một nhân vật hết sức thú vị và hài hước.

Trong văn phòng của ông ở Kuala Lumpur, sau một buổi làm việc kéo dài khoảng hai giờ giữa chúng tôi, ông gặp vợ tôi Andrea và khi biết cô ấy là người Do Thái, tự nhiên ông trở nên có phần khúm núm và yên lặng. Điều đó quá kỳ quặc... Còn về Thaksin - hóa ra ông là người rất thích mua sắm và đặc biệt thích đến các trung tâm mua sắm lớn tại Dubai và chúng tôi thường cùng nhau dạo qua những trung tâm này.

Nếu bắt gặp bất kỳ du khách Thái Lan nào đang du lịch tại Dubai, ông sẽ chạy lại, chặn họ lại, ôm và nói chuyện với họ, ông tỏ ra khá xúc động và nhớ quê nhà. Tất nhiên tôi không biết họ đang nói với nhau những gì bằng tiếng Thái nhưng điều này giúp tôi nhận ra rằng trong khi nhiều người căm ghét ông, thì nhiều người vẫn yêu mến và ngưỡng mộ ông. Với Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, ông là một người cực kỳ tế nhị, chu đáo, và kỷ luật cao. Có lẽ trong số 4 người khổng lồ, ông là người tuyệt vời nhất, bất kể theo nghĩa nào! Khi ông nói về vợ mình và cho biết công việc của ông đã khiến họ có ít thời gian bên nhau, mắt ông trở nên mơ màng.

Tuy nhiên ông không mơ màng chút nào khi ông nói về Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc và tất cả những vấn đề về cơ cấu của nó. Ông cũng là người dễ nổi nóng. Ông là người của công việc và muốn mọi thứ phải được hoàn tất. Tôi ước gì phía sau ông là một tổ chức không bị chia rẽ sâu sắc như vậy.

* Có người Việt Nam nào mà ông dự định phỏng vấn cho dự án sách hay không?

* Tôi rất muốn viết sách về đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng ông đã ra đi trước khi tôi có thể gặp và nói chuyện với ông. Tướng Giáp là một con người hoàn hảo, một nhân vật lịch sử và thật tiếc tôi không còn được gặp ông.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG thực hiện

Tin cùng chuyên mục