Ngày 11-10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin” do Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí - Tuyên truyền phối hợp tổ chức với với sự tham dự của hơn 150 đại biểu là các nhà báo lão thành, nhà khoa học, nhà quản lý cơ quan báo chí…
Xác định trách nhiệm xã hội
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ nêu lên một thực tế, hiện nay một bộ phận nhỏ các cơ quan báo chí, một số nhà báo vì những lý do kinh tế chạy theo doanh thu hoặc vì lý do chưa nhận thức đầy đủ về chức năng nhiệm vụ của báo chí, hoặc do yếu kém về chuyên môn mà chạy theo thị hiếu tầm thường, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của báo giới nước nhà. Những vi phạm đó có ở nhiều khâu, nhiều bước của quá trình hoạt động tác nghiệp của nhà báo, của cơ quan báo chí nhưng tập trung nhiều nhất là trong quy trình khai thác và xử lý nguồn tin.
Gần đây nhất là vụ phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại địa phương đưa tin giật gân dựa trên nguồn tin nghe lại từ người khác. Một số cơ quan báo chí khác tiếp tục khai thác chủ đề không có thật đó, phụ họa thêm chi tiết phỏng vấn “như thật”... Cách làm báo vô trách nhiệm bỏ qua quy trình thẩm định, kiểm chứng thông tin đó đã vi phạm quy định đạo đức của người làm báo Việt Nam, cho thấy sự không làm tròn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho rằng, vấn đề đạo đức báo chí không phải bây giờ mới đặt ra, trong quá trình hoạt động báo chí luôn đặt ra. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí. Trong hoạt động báo chí, đạo đức phải được thực hiện nghiêm túc, đây là cơ sở quan trọng để điều chỉnh hành vi nhà báo trong tác nghiệp. Nhà báo phải xác định, trước hết phải là công dân có đạo đức. Báo chí đặc thù nên cũng có những chuẩn mực riêng.
Thông tin của báo chí không chỉ tác động đến một, hai người mà cả triệu người. Những thông tin thiếu trung thực, kiểu giật gân, thiên lệch, thiếu tính xây dựng… gây ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức, cá nhân. Có doanh nghiệp phá sản vì thông tin sai lệch của báo chí... “Người làm báo phải xác định trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình. Mọi quy định, quy ước chỉ nhằm việc tôn trọng pháp luật. Vì thế, trước hết các nhà báo hãy thực hiện đúng, đầy đủ những quy định pháp luật về hoạt động báo chí” - Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh.
Chuẩn mực và bản lĩnh
Trong tham luận gửi đến hội thảo, nhà báo Hữu Thọ cho rằng, bên cạnh những ưu điểm cơ bản, thời gian qua báo chí cũng có những khuyết điểm, thậm chí là khuyết điểm nghiêm trọng. Trong đó có việc thông tin “sai sự thật” gây ảnh hưởng xấu hoặc xâm phạm uy tín danh dự của tổ chức, nhân phẩm công dân, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và làm mất uy tín của giới báo chí trong xã hội.
“Thông tin sai sự thật có nhiều loại, có số ít do bịa đặt, thêm bớt là sai phạm nặng nề nhất về mặt đạo đức của người làm báo. Có trường hợp thông tin “sai sự thật” do suy diễn chủ quan dẫn đến sự thật bị thổi phồng, bóp méo cũng không còn là sự thật như nó vốn có, gây hiểu lầm tai hại trong xã hội, tới tính chân thật của báo chí. Khuyết điểm phổ biến dẫn đến thông tin sai sự thật là do phong cách làm báo không cẩn trọng, thiếu trách nhiệm. Một số người thu thập thông tin theo kiểu “nghe hơi nồi chõ”, theo tin đồn, theo kiểu “làm báo a dua, theo đuôi”...” - nhà báo Hữu Thọ phân tích.
Theo nhà báo Hà Đăng, báo chí nước ta ngày nay đang trong thời kỳ hội nhập. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã dẫn tới sự ra đời của nhiều phương tiện truyền thông mới, hội tụ trên internet, tạo nên môi trường thông tin hiện đại, không còn biên giới quốc gia, trong đó hầu như mọi người đều được tiếp cận thông tin hay trở thành người cung cấp thông tin. Khai thác thông tin trên mạng là cần thiết, không có gì xấu.
Nhưng thông tin trên mạng, nhất là mạng xã hội, đa chiều và khó kiểm chứng đúng, sai. Tin sai của một người trên mạng mà vội vã khai thác có thể lập tức biến thành tin thật cho hàng chục vạn, hàng triệu người. Vậy mà nhiều tin đồn, tin từ mạng xã hội không được kiểm chứng đã được nhiều phóng viên khai thác, biến thành tin chính thức trên báo chí. Hậu quả của việc sao chép, “ăn tươi nuốt sống” thông tin trên mạng chắc mỗi người chúng ta đều biết.
“Nếu mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo chúng ta đều lấy 4 chữ “trung thành, trung thực” làm chuẩn mực của bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp thì chắc chắn chúng ta không những biết cách mà còn biết khai thác và xử lý thông tin sao cho nhanh nhạy, sáng tạo và hiệu quả” - nhà báo Hà Đăng nhận định.
Trần Lưu