Trong cuộc họp kín tại Phnom Penh (Campuchia) ngày 19-7, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa đã nhất trí tìm sự đồng thuận trong ASEAN về vấn đề tranh chấp trên biển Đông, bằng một số nguyên tắc chung liên quan đến vấn đề này. Nội dung đồng thuận được gửi đến những người đồng cấp trong ASEAN để tìm sự thống nhất cuối cùng, trước khi công bố với giới truyền thông dự kiến trong hôm nay.
Ngày 18-7, một quan chức cấp cao giấu tên thuộc Tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) đã khẳng định với Hindustan Times về việc nhận lời đề nghị của Tổng Công ty Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) nhằm tiếp tục triển khai hợp đồng thăm dò khai thác đầu khí. Theo TTXVN, OVL sẽ tiếp tục thăm dò và khai thác dầu tại lô 128 ở khu vực biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam, bất chấp Bắc Kinh cho đây là hành vi xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, nhà báo Chu Phương, biên tập viên mảng đối ngoại của tờ báo này gần đây liên tục bày tỏ quan điểm phản đối chính sách của Trung Quốc tại biển Đông. Ngày 17-7, ông viết bài: Tình hình biển Đông có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc. Trước đó, ngày 29-6, ông viết bài: Lập thành phố Tam Sa là trò cười quốc tế, cần hủy bỏ ngay! Nhà báo Chu Phương cho rằng, lý luận của Trung Quốc về việc xác lập chủ quyền trên biển Đông bị các quốc gia láng giềng và quốc tế phủ nhận. Điều này đang làm suy yếu hình ảnh và địa vị của Trung Quốc trên trường quốc tế.
N.QUỲNH