Kinh tế thế giới 2015
Thị trường các nước trên thế giới hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ năm mới. Tuy nhiên, ngày làm việc đầu năm 2015 lại đánh dấu bằng nhiều thông tin kinh tế kém tích cực khiến nhiều người lo ngại kinh tế thế giới trong năm nay sẽ có nhiều biến động.
Giá dầu lao dốc
Thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu phiên giao dịch đầu tiên trong năm 2015 với sự mất giá thảm hại nhất trong nhiều tháng qua của các chỉ số chứng khoán chủ lực. Trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất giá 325,27 điểm, tương đương với 1,82%. Chỉ số Standard & Poor 500 và chỉ số tổng hợp Nasdaq cũng lần lượt mất giá 1,8% và 1,47%.
Nhà đầu tư theo dõi biến động về giá cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ.
Nguyên nhân chính dẫn tới việc các nhà đầu tư bán tháo tài sản là do tâm lý lo ngại trước việc giá dầu thô tiếp tục lao dốc. Giá dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới tiếp tục đà lao dốc của năm 2014, mất giá thêm từ 5% đến 6%. Đến phiên giao dịch cuối cùng ngày 5-1 trước khi đóng cửa, giá dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ đã giảm 5%, xuống còn 50,04 USD/thùng. Trước đó, giá loại dầu thô này có lúc đã giảm xuống mức 49,95 USD/thùng. Giá dầu Brent trong ngày giảm 6%, xuống mức 53,11 USD/thùng.
Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích thuộc Công ty Price Futures Group, cho biết, có nhiều yếu tố khiến giá dầu thô tiếp tục sụt giảm, trong đó có mối lo ngại về nguồn cung tiếp tục dư thừa trong ít nhất 6 tháng tới. Ngoài ra, Trung Quốc, một trong những quốc gia tiêu thụ năng lượng mạnh trên thế giới, đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng chậm lại cũng là nguyên nhân khiến giá dầu thô giảm. Hãng Reuters dẫn thống kê chính thức mới nhất của cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết, chỉ số quản lý sức mua (PMI) - thước đo hoạt động sản xuất - tháng 12-2014 đã giảm xuống 50,1 điểm, mức thấp nhất trong năm 2014. Đây là một tin không vui cho kinh tế Trung Quốc và thế giới.
Giảm phát ở châu Âu
Những quan ngại về khả năng Hy Lạp rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau cuộc tổng tuyển cử ngày 25-1 sắp tới đã làm rung chuyển thị trường châu Âu trong ngày 5-1, khiến giá các cổ phiếu trong khu vực giảm mạnh. Chuyên gia Kash Kamal tại Trung tâm Nghiên cứu Sucden (Anh) cho rằng, thị trường chứng khoán châu Âu phải chịu áp lực mới vì những quan ngại về tình hình chính trị tại Hy Lạp và đồng euro mất giá khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất an.
Tạp chí Spiegel của Đức dẫn các nguồn tin chính phủ nước này cho rằng việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone là điều không thể tránh khỏi nếu đảng Syriza chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Đảng Syriza từng tuyên bố nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, họ sẽ chấm dứt các chương trình chi tiêu khắc khổ mà chính phủ hiện nay đang theo đuổi cam kết với các chủ nợ quốc tế. Tương tự, ông Matthew Kaufler, nhà quản trị của Công ty Federated Investors, cho biết, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras nói chiến dịch tranh cử hiện nay có thể dẫn tới kết quả là nước này sẽ rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), nếu đảng Syriza giành chiến thắng. Điều này đã khiến giới đầu tư lo ngại về Eurozone và buộc họ phải bán tháo tài sản.
Trong khi đó, theo số liệu Cơ quan Thống kê Đức (Destatic), lạm phát ở đầu tàu kinh tế châu Âu này trong tháng 12 vừa qua đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Điều này làm dấy lên những lo ngại giá cả trong toàn Eurozone sẽ giảm, đẩy khu vực này vào tình trạng giảm phát. Hiện đã xuất hiện nhiều đồn đoán rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể hành động nhiều hơn để ngăn chặn nguy cơ giảm phát. Theo các nhà phân tích, nếu lạm phát trong toàn Eurozone trở nên tiêu cực, ECB có thể buộc phải sử dụng những biện pháp mạnh hơn như nới lỏng định lượng (QE), tức là mua trái phiếu chính phủ với khối lượng lớn.
ĐỖ CAO (tổng hợp)