Ngày 1-12, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa giao Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở KH-ĐT, GTVT và các đơn vị liên quan kiểm tra, nghiên cứu để tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5-12 về việc đầu tư xây dựng các bến cảng thuộc cảng Vũng Áng, ở Khu kinh tế Vũng Áng.
Trước đó, Công ty Wei Yu Engineering Co, LTD (Đài Loan) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị thực hiện “Dự án đầu tư cảng Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh bến cảng số 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và các thiết bị chuyên dùng”. Quy mô 7 bến này có thể cập tàu hàng rời với tải trọng 5 vạn tấn. Bến số 5, 6, 7, 8, có thể cập 4 tàu, chiều dài bến 1.300m. Bến số 9 cảng hàng rời có thể cập 1 tàu, chiều dài bến 250m. Bến số 10, 11 là bến cảng trung chuyển và trạm trung chuyển than có thể cập 2 tàu. Khu dịch vụ hậu cảng khoảng 150ha, đê chắn sóng dài 1.850m. Vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, thời gian thực hiện dự án 70 năm. Giai đoạn 1 đối với công trình xây dựng 7 bến cảng và đầu tư thiết bị chuyên dùng nhu cầu về lao động nước ngoài khoảng 50 người và lao động Việt Nam khoảng 500 người; Giai đoạn 2 đối với dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm tại Khu kinh tế Vũng Áng nhu cầu về lao động nước ngoài khoảng 250 người và lao động Việt Nam khoảng 20.000 người.
Theo đánh giá, bến số 5, 6, 7, 8 ước tính khả năng xuất, nhập hàng hóa (hàng container) tối thiểu đạt khoảng 1,2 triệu TEU/năm, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng lượng hàng hóa tại Khu kinh tế Vũng Áng cũng như Lào, Thái Lan. Riêng bến số 9, khả năng bốc dỡ hàng ngũ cốc hoặc lượng hàng rời ước tính tối thiểu trên 2 triệu tấn/năm. Bến số 10 hàng năm vào thời điểm có sóng to, gió lớn hoạt động dỡ than vẫn tiến hành bình thường, bên cạnh đó vừa là bến cảng phụ trợ cho hoạt động dỡ than dùng cho nhà máy phát điện tại các bến 1, 2, 3, 4 (lượng than bốc dỡ trên 6 triệu tấn/năm). Ngoài ra, có thể dùng thiết bị xếp hàng tại bến 11 để đưa than lên tàu nhỏ hoặc sà lan tải trọng từ 5.000 đến 20.000 tấn và cung cấp cho nhà máy phát điện miền Bắc Việt Nam.
QUANG HÀ