Theo hãng tin Bloomberg, bất chấp những nỗ lực bơm tiền của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC), trong phiên giao dịch ngày 26-8, thị trường chứng khoán (TTCK) của nước này tiếp tục lao dốc trong bối cảnh các nhà đầu bán tháo hàng loạt cổ phiếu.
Tiếp tục phá giá tiền tệ
Phiên giao dịch ngày 26-8 đã chứng kiến sự trồi sụt bất thường của chứng khoán Trung Quốc khi mở phiên chỉ số Shanghai Composite tăng 4,3% và giảm xuống 3,9%. Chốt phiên, chỉ số này giảm 1,3%, đứng ở mức 2.927 điểm. Kết quả này đã đánh dấu phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp, chạm mốc thấp nhất kể từ đầu năm cho đến nay. Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 16% kể từ đầu tuần. Tình trạng giảm điểm liên tục là do tâm lý hoang mang của các nhà đầu tư về nguy cơ khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc.
Nhà đầu tư Trung Quốc mệt mỏi vì chứng khoán giảm mạnh.
Trái với diễn biến xấu tại TTCK Trung Quốc, chỉ số chứng khoán Kospi tại Hàn Quốc và Nikkei Nhật Bản đã có phiên tăng điểm từ 2,7% đến hơn 3%. Trong khi đó, TTCK Mỹ lại có phiên giảm điểm mạnh. Các chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq giảm từ 0,44% đến 1,29%.
Sau động thái hạ lãi suất cơ bản và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm bơm thêm 23,4 tỷ USD vào TTCK, PBoC tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ thêm 0,09%, từ 6,3987 nhân dân tệ/USD thành 6,4034 nhân dân tệ/USD. Đây là lần phá giá nhân dân tệ thứ 2 kể từ ngày 13-8 sau 3 ngày phá giá liên tiếp khiến nhân dân tệ giảm 4,6% giá trị. Trước đó, các chuyên gia quốc tế dự đoán nhân dân tệ sẽ giảm xuống 6,5 nhân dân tệ/USD vào cuối năm nay. Động thái tiếp tục phá giá nhân dân tệ được cho là do chứng khoán Trung Quốc lao dốc mạnh. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các biện pháp này là chưa đủ để ngăn tình trạng hoảng loạn của thị trường, PBoC có thể sẽ phải nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.
Giá dầu biến động
Trong phiên giao dịch sáng 26-8 (giờ địa phương) tại sàn giao dịch hàng hóa New York (Mỹ), giá dầu thô WTI và giá dầu Brent có nhiều biến động. Giá dầu thô WTI giao tháng 10 có lúc đã tăng 0,21%, ở mức 39,52 USD/thùng nhưng đến lúc kết phiên lại giảm xuống 0,66%, ở mức 39,05 USD/thùng. Mở đầu phiên giao dịch, giá dầu Brent giao tháng 10 tăng nhẹ nhưng sau đó đã giảm 0,12%, xuống mức 43,16 USD/thùng. Do giá dầu ở ngưỡng 40 USD/thùng nên giá của các nguồn dự trữ khác cũng giảm. Giá vàng giảm 0,11% xuống 1.137 USD/ounce.
Do lo ngại giá dầu sụt giảm mạnh, Chính phủ Saudi Arabia đang lên kế hoạch cắt giảm ngân sách. Saudi Arabia tiến hành rà soát các kế hoạch đầu tư cơ bản và xem xét trì hoãn hoặc thu hẹp một số dự án cơ sở hạ tầng trong năm tới. Có khả năng Saudi Arabia sẽ cắt giảm 10% hoặc hơn vốn đầu tư cơ bản từ mức 382 tỷ Riyal, tương đương 102 tỷ USD, trong năm nay. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Saudi Arabia có thể thâm hụt ngân sách lên tới 20% GDP trong năm 2015. Lý do là dầu lửa đóng góp 90% thu ngân sách Saudi Arabia. Bởi vậy, việc giá dầu giảm hơn 50% trong 12 tháng qua đã gây sức ép lớn đối với tình hình ngân sách của nước này.
Trong khi đó, Iran đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để cắt giảm sản lượng nhằm kìm giá dầu rơi. Theo giới phân tích, giá dầu hiện đã ở dưới mức 40 USD và nếu OPEC cắt giảm sản lượng, nó đồng nghĩa với việc nhóm này chịu mất thị phần vào tay các nhà sản xuất dầu khác trên thế giới đi ngược lại mục tiêu của việc kìm giá dầu thấp để đòi lại thị phần của nhóm này.
Trước tình hình nói trên, tập đoàn Citigroup dự báo giá dầu có thể giảm tiếp 25% trong vòng 6 tháng tới. Trong khi đó, theo một nghiên cứu mới đây của Citibank, giá dầu thô tại Mỹ có thể xuống mức thấp nhất là 32 USD/thùng, mức từng xảy ra vào năm 2008.
THANH HẰNG (tổng hợp)