Bắt đầu với mốc 100 điểm vào ngày 28-7-2000, sau 10 năm VN Index đang dao động quanh mốc 500 điểm. Kết quả sau gần 2.400 phiên giao dịch không chỉ là những con số khô khan mà còn là những cung bậc cảm xúc, những thế hệ nhà đầu tư (NĐT) liên tục xuất hiện sau thành công và cả thất bại. TTCK không chỉ là hàn thử biểu của nền kinh tế mà còn là tấm gương phản chiếu cuộc đời.
- Những thế hệ NĐT
Theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc khối Môi giới CTCK MHB, một trong những người làm việc tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM - HOSTC (tiền thân của HOSE bây giờ), kể từ khi mới thành lập sau mỗi đợt sóng lớn, một thế hệ NĐT sẽ xuất hiện.
Từ năm 2000 đến nửa đầu năm 2004, VN Index đã có một đợt sóng tăng từ 100 điểm lên 570 điểm. Nhìn vào con số có thể nghĩ rằng thị trường rất nóng nhưng đa phần NĐT thời điểm này chưa tiếp cận được với những khái niệm như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và nhiều người xem đầu tư chỉ là một kênh phụ.
Nửa cuối năm 2004 ghi nhận sự tham gia của NĐT nước ngoài và số lượng NĐT trong nước tiếp tục tăng mạnh cho đến nửa đầu năm 2007 khi VN Index tạo đỉnh 1.170 điểm vào ngày 12-3-2007.
Giai đoạn 2004-2007 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của TTCK, có thể gọi là “người người chơi chứng khoán, nhà nhà bán chứng khoán”.
Cuối năm 2006 Việt Nam gia nhập WTO đã thu hút thêm một lượng vốn lớn từ các NĐT nước ngoài và thổi VN Index tăng từ 500 điểm lên hơn 1.000 điểm chỉ trong 3 tháng. NĐT lúc này đã chủ động tìm kiếm cơ hội kiếm lời thông qua những cuộc đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), tìm những cổ phiếu sắp có tin chia tách mua vào...
Mặc dù kiến thức về chứng khoán đã được cải thiện thông qua việc biết được EPS, P/E, P/B... nhưng nhìn chung các NĐT đều có chung suy nghĩ cứ mua chứng khoán là thắng.
Tuy nhiên VN Index tạo đáy 235 điểm vào ngày 24-2-2009 đã khiến nhiều NĐT thắng lớn ở giai đoạn 2006-2007 bị thiệt hại nặng. Và kết quả là thế hệ NĐT thứ 3, với nhiều kinh nghiệm học được trong những đợt sóng trước đó cùng kiến thức tương đối vững vàng ra đời từ năm 2009. Thế hệ này được xem là tiền đề cho sự chuyên nghiệp của TTCK trong những năm sắp tới.
- Dấu ấn cổ phiếu
GMD (Gemadept) được giao dịch tại HOSTC vào ngày 22-4-2002 và trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thời điểm đó. Đầu năm 2006, VNM (Vinamilk) lên sàn và trở thành cổ phiếu có giá trị vốn hóa tương đương 50% của thị trường và khi cổ phiếu này tăng, VN Index “xanh” và khi giảm, VN Index “đỏ”.
Đến tháng 5-2006, SJS (Sudico) trở thành cổ phiếu đầu tiên chào sàn có giá 10.0, trong khi những cổ phiếu trước chỉ từ 5.0 đổ lại. SJS đã tăng từ 10.0 lên đến 60.0, sau khi chia tách và điều chỉnh giá xuống 40.0 cổ phiếu này lại tiếp tục tăng rất mạnh., được coi là một trong những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên thị trường sau 10 năm của TTCK.
Nếu chọn ra yếu tố đáng nhớ nhất của các cổ phiếu trong 10 năm qua, đó là việc chia thưởng cổ phiếu. Trong giai đoạn hoàng kim 2006-2007, chiến thuật đơn giản nhất là việc cổ phiếu nào sắp chia thưởng, mua vào sẽ lập tức thắng lớn. Nhiều người còn suy nghĩ rằng nếu cổ phiếu giá 5.0 được chia thưởng 1:1 sẽ được thêm một cổ phiếu có giá 5.0 chứ không phải là 2.5.
Cũng chính nhờ điều này nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ thời cơ để phát hành cổ phiếu thưởng, tăng vốn điều lệ và chỉ sau vài năm niêm yết trên TTCK vốn điều lệ đã tăng lên gấp 50, thậm chí 100 lần. Trào lưu chia thưởng tiếp tục bùng nổ trong năm 2009 khi TTCK phục hồi trong quý II, III và chỉ tạm lắng xuống khi thị trường hiện nay đang lình xình.
Dù vậy chia thưởng sẽ tiếp tục trở thành một yếu tố quan trọng để NĐT lựa chọn cổ phiếu và doanh nghiệp tăng vốn. Bởi thực tế hiện nay rất nhiều doanh nghiệp có vốn lớn, những tỷ phú trên TTCK Việt Nam đều sử dụng chia thưởng để tăng vốn và cũng gia tăng tài sản cho chính mình.
- Yếu tố con người quyết định
Khi TTCK mới thành lập, chỉ có 5 CTCK, nhưng hiện đã tăng lên hơn 100 CTCK. Thời điểm năm 2007 được xem là bùng nổ của phong trào thành lập CTCK. Nếu NĐT xem việc mua cổ phiếu là có lời thì việc các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư thành lập CTCK cũng trở thành lẽ sống.
Kết thúc năm 2007, báo cáo tài chính của các CTCK đều có lãi, thậm chí lãi to nhưng tất cả đã nếm trái đắng trong năm 2008 do khủng hoảng tài chính xuất hiện. Nhưng trong cái rủi lại có cái may khi “nhờ” thua lỗ, nhiều CTCK đã nhận ra sai sót trong chiến lược phát triển để quay lại lấy khách hàng là trung tâm phục vụ.
Ông Dương Cẩm Đà, Phó Tổng giám đốc CTCK Vincom, nhận định: “Thế hệ lãnh đạo các CTCK trong khoảng 3 năm trở lại đây đã có nền tảng chuyên môn rất tốt, khác hẳn thế hệ trước đó thường chỉ có thế mạnh trong các mối quan hệ. Để có thể nâng cấp chất lượng của TTCK, cần phải có những chiến lược nghiêm túc trong việc cải tổ chất lượng nhân sự”.
Ngay cả trong chuyện làm giá cổ phiếu, NĐT cũng đang ở chiếu trên thay vì phải chạy theo những cổ phiếu nóng như trước đây. Hàng hóa ngày càng nhiều, trình độ NĐT ngày càng nâng cao nên các đối tượng làm giá không thể tác oai tác quái như trước, chuyện cổ phiếu có tin chia thưởng tăng 100-200% đã không còn.
Để có thể thuyết phục NĐT mua vào, các đối tượng làm giá sẽ buộc phải cung cấp nhiều thông tin hơn, làm cho NĐT cảm thấy mình đang đầu tư đúng chỗ, an toàn. Như vậy, chìa khóa để phát triển TTCK trong thời gian sắp tới nằm ở chính yếu tố con người.
- Từ 2 mã chứng khoán trong ngày đầu tiên giao dịch là REE và SAM, TTCK hiện nay đã có hơn 550 mã chứng khoán trên cả 2 sàn HOSE và HNX, chưa kể gần 90 mã trên UPCoM. - Sau 10 năm, VN Index tăng gấp 5 lần số điểm ban đầu, tức là bỏ vào 1 tỷ đồng cho TTCK nay thu lại được 5 tỷ đồng. Nhưng thực tế một thế hệ “nhà giàu” đã ra đời nhờ TTCK Việt Nam khi tài sản tăng gấp 20, thậm chí 50 lần. - Từ năm 2001-2005 giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam chỉ tương đương 1% GDP nhưng đã tăng vọt lên 22,7% vào năm 2006, hơn 43% vào 2007. Cuối năm 2009, giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam đạt 37,7% GDP và ước tính cuối năm nay 40-50% GDP. - Thời điểm mới thành lập TTCK, chỉ có vỏn vẹn 3.000 tài khoản nhưng con số này đã tăng 300 lần lên 950.000 tài khoản tính đến thời điểm hiện nay. |
ĐẠI NGÀN