Nhà dột từ nóc

Sự cố các cua-rơ của đội tuyển xe đạp Việt Nam đánh nhau tại mức đến đã vạch ra một sự thật mà lâu nay những người có trách nhiệm trong bộ môn xe đạp Việt Nam vẫn cứ bưng bít: hiềm khích, tị nạnh, ganh ghét và bè phái từ CLB lên đến đội tuyển.

Nhà dột từ nóc ảnh 1

Tay đua Mai Công Hiếu (Domesco ĐT) vượt qua Trương Quốc Thắng (KS Thanh Bình) tại đỉnh đèo Cả trong Cúp Truyền hình 2005.

Đến nay, Liên đoàn xe đạp Việt Nam và Ủy ban TDTT vẫn chưa nhận được những báo cáo đầy đủ và chính thức liên quan đến vụ ẩu đả. Hầu hết những thông tin mà báo chí đăng tải đều qua các kênh riêng từ những thành viên trong đội tuyển xe đạp Việt Nam. Tổng thư ký Liên đoàn MTXĐ Việt Nam Đoàn Kim Phách cho biết: “Đây là một hành động không thể chấp nhận được và hết sức xấu hổ cho xe đạp Việt Nam. Chắc chắn chúng tôi phải xử thật nặng, đúng người, đúng tội. Hiện chúng tôi vẫn chờ tất cả các thành viên của đội xe đạp Việt Nam về và chờ báo cáo chính thức bằng văn bản...”. Trong khi đó, Trưởng bộ môn xe đạp Ủy ban TDTT Nguyễn Đức Cường lại tỏ ra rất bàng quan với câu trả lời thật dửng dưng: “Tôi có nghe nói, đang đi học nên chưa biết cụ thể như thế nào...”.

Các quan chức trong bộ môn xe đạp lẫn Liên đoàn MTXĐ Việt Nam hầu hết đều không đề cập nhiều vào chi tiết khi được hỏi về những mâu thuẫn tiềm ẩn trước đây trong nội bộ đội tuyển bởi ai cũng biết đấy là chỗ “nhột” nhất mà bất kỳ cuộc mổ xẻ từ dưới góc độ nào cũng khó có thể chối bỏ được những xung đột trong đại gia đình đội tuyển xe đạp Việt Nam vốnõ ẩn chứa lâu năm và cũng đã bùng phát nhưng người ta đã cố tình che đậy nó lại để đến bây giờ thì ...phát hỏa!

Báo giới phân tích nhiều về những mâu thuẫn tiềm ẩn – điều mà trước đây đã được đề cập nhiều nhưng những người có trách nhiệm cứ gạt nó qua và cho là chuyện nhỏ. Chẳng hạn, mối hiềm khích giữa Trương Quốc Thắng và Trịnh Phát Đạt từ Cúp xe đạp Truyền hình 2002, khi Phát Đạt trực tiếp đẩy Hữu Hiền về đích ở đỉnh đèo Phú Hiệp nhằm phá không cho Thắng thực hiện hoàn tất cú ăn ba (áo Vàng, áo Xanh và áo Đỏ).

Thực chất thì không phải mọi hiềm khích bắt đầu từ cú “bỏ bóng đá người” ấy, nhưng cái chính là những vết hằn ở đội tuyển mà Quốc Thắng đã từng đứng ra “tố cáo” sự bất hợp lý trong công tác huấn luyện của thầy nội ở đội tuyển là HLV Trần Văn Quýt đồng thời cũng là thầy ruột của Trịnh Phát Đạt ở CLB Domesco Đồng Tháp.

Trong một gia đình, anh em ruột còn hục hặc nhau nữa là ở một đội tuyển với toàn những “ông sao” trong làng xe đạp Việt Nam. Ở đây, cái dở ở những VĐV khi tỵ nạnh, ganh ghét nhau đã lớn nhưng cái dở về phía BHL và những thành viên có trách nhiệm trong việc quản lý đội tuyển và bộ môn lại càng lớn hơn.

Chuyện hiềm khích, ganh tỵ và chống đốii nhau ra mặt đã không được giải quyết ổn thỏa và thế là nó cứ ngấm ngầm rồi nhân lên dần qua từng mùa giải, từng cuộc đua và từng lần tập trung đội tuyển. Giới xe đạp ai cũng nhìn và cũng biết chuyện các “ông sao” hục hặc nhau trên đường đua quốc nội và trên cả đường tập trong màu áo đội tuyển. Điều này cũng chính chuyên gia Dimitriev từng than phiền khi ông chỉ đạo chiến thuật một đàng, các cua-rơ lại sanh nạnh, sợ đồng đội có thành tích cao hơn mình đã xé ra và không vì cái chung. Nhiều cua-rơ đã xé đấu pháp, vượt rào vì cái tôi và vì không muốn “nó hơn mình” qua sự chỉ đạo chung mang tính đồng đội để có một thành tích cao nhất cho xe đạp Việt Nam. Thế là, mạnh ai nấy chạy và tự làm suy yếu mình.

Từ hiềm khích ở đội tuyển ăn sâu đến hiềm khích trên đường đua quốc nội và mâu thuẫn ấy cứ lan ra trong sự cay cú của các HLV lẫn các cua-rơ hàng đầu. Có thể liệt kê hàng loạt sự cố nổi đình nổi đám trong làng đua nhưng những người có trách nhiệm cứ cố tình bịt và lơ nó đi: Cúp Truyền hình 2003 tại Đà Lạt, Mai Công Hiếu đã chỉ thẳng mặt đồng đội mình là Trịnh Phát Đạt (cùng màu áo Domesco Đồng Tháp) trách Đạt đã không tuân thủ sự chỉ đạo của BHL, tham thành tích, gây chia rẽ khi tấn công vào đèo phá sức đồng đội để tranh chiếc áo Đỏ với Hiếu.

Cuộc đua Về Điện Biên Phủ 2004, các cua-rơ Cảng SG – Tiến Đạt và Domesco Đồng Tháp chửi rủa, lăng mạ và chèn ép nhau bằng luật rừng và kết quả là vác dao rượt đuổi nhau. Cúp Truyền hình 2005, giữa Đạt và Thắng tiếp tục có cuộc tranh chấp chiếc áo Đỏ và lại kiện cáo tỵ nạnh nhau để rồi cuối cùng BTC phải an ủi cho nguyên đơn bằng danh hiệu Cua-rơ ấn tượng nhất. Vô tình danh hiệu này lại xúc phạm đến cua-rơ trẻ Lê Văn Duẩn của BVTV Sài Gòn Dofilm và nhiều thành viên vì nó không xứng và không đúng với tiêu chí. Hiềm khích lại tiếp tục tăng lên...

Suốt một quá trình dài đầy mâu thuẫn và tỵ nạnh, ganh ghét mất đoàn kết trong ngôi nhà xe đạp Việt Nam nhưng những người có trách nhiệm đã không có động tác nào để dung hòa và dập tắt. Đấy là sự yếu kém vô cùng lớn trong công tác quản lý và đấy cũng là lý do vì sao xe đạp Việt Nam được đầu tư nhiều, chuyên môn tốt nhưng lại cứ mình hại mình khiến yếu kém.

Ra hình phạt nào với những VĐV gây nên sự ô nhục cho thể thao Việt Nam là điều tất nhiên nhưng đừng xem đấy là việc chính. Cần phải dũng cảm nhìn vào bộ máy quản lý và điều hành đã để kéo dài chuyện bất đồng của các VĐV để rồi khi cháy lên thì không có cách nào dập nó đi được. Đau hơn lại là “cháy” ở nước ngoài, trước mắt giới thể thao khu vực.

Nhà dột từ nóc nên có những cái yếu, cái kém và cả cái vô trách nhiệm thờ ơ trước những hiện tượng trong “ngôi nhà xe đạp Việt Nam”. Cần phải làm rõ và xử lý đến nơi đến chốn.

Nguyễn Nguyên

Tin cùng chuyên mục