Nhà hàng, quán ăn, phòng thu “nhạy cảm” tràn lan: Khó xử lý?

Thời gian qua, dư luận đã nhiều lần phản ánh về tình trạng nhà hàng, quán ăn, karaoke không phép, karaoke ôm, karaoke núp bóng phòng thu âm (phòng thu “nhạy cảm”)… ngày càng tràn lan. Dù gần đây, nhiều địa phương cũng đã ra sức kiểm tra, xử lý, thế nhưng hiện nay “mảng tối” này vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, chưa thể xử lý dứt điểm, tại sao?
Nhà hàng, quán ăn, phòng thu “nhạy cảm” tràn lan: Khó xử lý?

Thời gian qua, dư luận đã nhiều lần phản ánh về tình trạng nhà hàng, quán ăn, karaoke không phép, karaoke ôm, karaoke núp bóng phòng thu âm (phòng thu “nhạy cảm”)… ngày càng tràn lan. Dù gần đây, nhiều địa phương cũng đã ra sức kiểm tra, xử lý, thế nhưng hiện nay “mảng tối” này vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, chưa thể xử lý dứt điểm, tại sao?

  • Trở lại “điểm đen”...

Cách đây chưa đầy một năm, Báo SGGP từng phản ánh khu ăn chơi trác táng ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân. Và gần đây, các ngành, các cấp của địa phương này cũng đã nỗ lực trong việc tìm kiếm giải pháp tốt nhất ngăn chặn sự bùng phát ở những “điểm đen” này. Thế nhưng, thực tế theo ghi nhận của chúng tôi, những tụ điểm đang ngày càng nở rộ. Hiện nay, nếu chỉ tính riêng một phường Bình Trị Đông B ở Bình Tân đã có hơn 50 tụ điểm karaoke không phép, karaoke ôm. Thậm chí, cách thức hoạt động và đối phó của các điểm đen này với cơ quan chức năng cũng ngày tinh vi hơn. Hầu hết các điểm này đều cho nhiều đối tượng cò mồi, dắt mối theo dõi từng hoạt động của các đoàn kiểm tra để kịp thời báo động cho chủ cơ sở kinh doanh nghỉ, khóa cửa hoặc sơ tán nhân viên ra ngoài nên đoàn kiểm tra rất khó phát hiện, xử lý.

Khi đi thực tế, chúng tôi chọn ngẫu nhiên phòng thu K.P trong tổng số 26 phòng thu âm trên địa bàn quận Bình Tân để xem thực hư thế nào về cái gọi là phòng thu âm nhạy cảm! Quả thật, khi mới đến cửa phòng thu âm K.P, chẳng ai có thể tin rằng bên trong một căn nhà lầu kín cổng cao tường của phòng thu này là một tụ điểm ăn chơi… thác loạn. Khi khách vào bên trong, cửa cổng được đóng kín và ở các phòng gọi là thu âm, hoạt động chẳng khác gì phòng karaoke. Bia, trái cây, bánh, kẹo, khô… được bày ra cả bàn, rồi nữ tiếp viên cũng được điều từ các phòng trọ đến tiếp khách. Khi khách ăn nhậu, đùa giỡn với nữ tiếp viên, ở ngoài cửa phòng lúc nào cũng có 4 nam nhân viên canh chừng cẩn mật. Thấy khách chưa thật sự thoải mái với các “em út”, một nam nhân viên nhanh nhẩu, các anh cứ vui vẻ vô tư, bên ngoài có tụi em lo hết rồi. Thế là các màn thác loạn diễn ra liên tục, các cô gái cứ lần lượt thay nhau đứng lên bàn cởi đồ, tắm bia, nhảy múa, uốn éo theo tiếng nhạc ầm ầm… Với các phòng thu trên đường Vành Đai Trong, hoạt động có phần kín kẽ hơn. Khi khách vào hát karaoke, nhân viên luôn căn dặn, nếu có đoàn kiểm tra vào, nhớ nói giúp là đang hát thu âm, để tránh bị phạt! Dù thực tế là khách đang hát… karaoke!

  • “Bắt cóc bỏ dĩa”

Hiện nay, tuy các địa phương đã nhiều lần tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các nhà hàng, quán ăn, kinh doanh karaoke để kịp thời phát hiện những sai phạm để xử lý. Thế nhưng, để xử lý dứt điểm các tụ điểm hoạt động thiếu lành mạnh này thì ngay cả các địa phương cũng gặp phải những khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Văn Mười, đối với những điểm kinh doanh không lành mạnh, bị kiểm tra xử lý nhiều lần, quận đã đề nghị Sở KH-ĐT rút giấy phép và không cấp mới cho các đối tượng mới tại địa điểm cũ (nếu vẫn kinh doanh các ngành nghề nhạy cảm).

Nhưng thực tế, việc rút giấy phép không thể tiến hành, bởi theo trả lời của Sở KH-ĐT TPHCM, theo quy định tại khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) và bị xóa tên trong sổ ĐKKD trong các trường hợp: Nội dung kê khai trong hồ sơ ĐKKD là giả mạo, không đăng ký mã số thuế trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận ĐKKD, không báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan ĐKKD trong 12 tháng liên tục… Theo ông Nguyễn Văn Huê, Phó Trưởng Công an quận Bình Tân, việc xử lý các nhà hàng, quán ăn, karaoke không phép, karaoke ôm hiện nay còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ông Nguyễn Văn Huê cho biết thêm, thời gian qua, ngành công an cũng đã vào cuộc cùng phối hợp với các cơ quan khác trong việc kiểm tra, xử lý nhưng tất cả giống như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Với các nhà hàng, quán ăn, karaoke không phép, karaoke ôm việc xử lý đã khó khăn thì những phòng thu âm “nhạy cảm” lại càng khó khăn hơn. Thực tế hiện nay, khi các phòng thu này cho khách karaoke đều sử dụng đĩa để ghi âm lại nhằm đối phó với các đoàn kiểm tra. Trong khi đó, hiện nay chưa có những quy định về phòng thu âm nên không thể nào xử lý, mặc dù các phòng thu âm này hoạt động kinh doanh karaoke là chủ yếu!

Phòng thu âm Long Vương trên đường Vành Đai Trong, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân “biến” thành tụ điểm kinh doanh karaoke trái phép. Ảnh: VÂN AN
Phòng thu âm Long Vương trên đường Vành Đai Trong, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân “biến” thành tụ điểm kinh doanh karaoke trái phép. Ảnh: VÂN AN
  • Từ 1-9: Có thể xử lý dứt điểm?

Qua tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày 1-9, Nghị định số 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ sẽ có hiệu lực, trong đó có quy định rất rõ về các hành vi vi phạm và mức xử phạt đối với các nhà hàng, quán ăn, karaoke không phép… với mức phạt không nhỏ (nếu như áp dụng hết khung xử phạt). Theo đó, với một tụ điểm kinh doanh không phép, nhân viên không có hợp đồng lao động, phòng karaoke không đủ ánh sáng… nếu bị xử phạt mỗi lần sẽ phải nộp phạt từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Chỉ tính riêng karaoke không có giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng; trong phòng karaoke có từ 2 – 3 nhân viên phục vụ phạt 1 - 3 triệu đồng, nếu từ 6 nhân viên phục vụ trở lên sẽ bị phạt từ 5 - 15 triệu đồng... Đặc biệt, trong nghị định này cũng ghi rõ, sẽ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoặc thiếu trách nhiệm để cho khách tự nhảy múa, thoát y hoặc tổ chức hoạt động khác mang tính chất đồi trụy…

Ông Nguyễn Minh Phương, Phó Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật Sở VH-TT-DL TPHCM nhận định, khi nghị định này có hiệu lực, nếu các địa phương triển khai thực hiện triệt để, chắc chắn các hoạt động thiếu lành mạnh ở các nhà hàng, quán ăn, karaoke… sẽ khó có thể tồn tại. Trên lý thuyết là vậy, nhưng còn thực tế, sau ngày 1-9 sẽ thế nào, liệu có thể xử lý dứt điểm? Đó là câu hỏi cấp thiết, cần sớm có lời đáp từ các ngành chức năng!

NHÓM PV VHVN

Theo Phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH-TT-DL TPHCM, hiện nay trên địa bàn TPHCM có trên 450 điểm kinh doanh hoạt động karaoke được cấp phép. Nhưng trên thực tế, số điểm hoạt động karaoke trên địa bàn TPHCM phải hơn con số 1.000. Sở dĩ có tình trạng này là do thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách xin Sở KH-ĐT cấp phép phòng thu âm rồi tiến hành hoạt động… karaoke! Đây là một điều đáng lo ngại, bởi nếu không khéo, hoạt động của các phòng thu âm “nhạy cảm” này sẽ càng làm tăng thêm sự lộn xộn, khó chấn chỉnh của hoạt động karaoke! Có lẽ, chính điều này mà hiện nay UBND TPHCM vẫn chưa duyệt quy hoạch hoạt động kinh doanh karaoke trên toàn địa bàn, dù Thủ tướng Chính phủ đã cho cấp phép hoạt động karaoke trở lại từ ngày 1-1-2010

Tin cùng chuyên mục