Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Lỗ do cơ chế

Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Lỗ do cơ chế

Trong hai ngày 15 và 16-5, Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất hạ dần công suất vận hành tại các phân xưởng, tiến đến dừng hoàn toàn vào ngày 17-5 để rà soát, khắc phục các điểm lỗi kỹ thuật còn tồn tại sau hai năm bảo hành, bảo dưỡng để đặt bút ký bàn giao. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - ảnh), đơn vị chủ quản NMLD Dung Quất, đã trao đổi về dừng hoạt động nhà máy và thông tin sản xuất kinh doanh năm 2011 bị lỗ.

° PV: Mục đích của việc tạm ngừng sản xuất nhà máy lần này, thưa ông?

° Ông Nguyễn Hoài Giang: Tháng 6-2010, nhà máy đã lấy mốc nghiệm thu sơ bộ lần đầu để nhà thầu tiến hành thời gian bảo hành. Theo quy định hợp đồng, sau hai năm (tháng 6-2012) thời hạn bảo hành sẽ kết thúc, hai bên sẽ ký mốc quan trọng nghiệm thu cuối cùng, dự kiến cuối tháng 6, đầu tháng 7-2012. Vì vậy, trước khi đặt bút ký, hai bên phải ngồi lại với nhau để xem xét, kiểm tra, rà soát xem trong thời gian bảo hành vừa qua có điểm lỗi kỹ thuật nào phát sinh, nảy sinh để xử lý triệt để. Bởi vì sau khi ký biên bản nghiệm thu cuối cùng đó, Technip sẽ bàn giao nhà máy cho BSR vận hành, sản xuất và kinh doanh, hoàn toàn không còn trách nhiệm gì với NMLD Dung Quất nữa.

Về thời gian dừng nhà máy dự kiến ban đầu là 3-4 tuần. Xin nói rõ đây là chúng tôi chủ động dừng nhà máy, chứ không phải do sự cố. Hiện nhà máy đang còn hạ công suất, chưa dừng hẳn. Đến khi dừng hẳn mới chính xác hóa được khoảng thời gian dừng bao lâu, vì phải vài chục tiếng dừng từng phân xưởng theo quy trình mới có thể dừng hẳn.

° Tổng kết hai tháng bảo dưỡng (từ 15-7 đến 16-9-2011), nhà máy có 75 điểm lỗi kỹ thuật đã được khắc phục, từ đó đến nay có phát sinh thêm điểm lỗi nào nữa, thưa ông?

° Qua rà soát sơ bộ, đã nảy sinh 4 vấn đề lớn, vài chục vấn đề nhỏ. Thời gian dừng này sẽ xử lý triệt để các vấn đề đó. Các vấn đề này nằm rải rác ở các phân xưởng, nhưng chủ yếu vẫn trong phân xưởng Craking xúc tác (RFCC) - Phân xưởng công nghệ quan trọng nhất của nhà máy. Nhưng không gặp phải ở van bit PV 1501, van này vẫn đang vận hành tốt, vấn đề xảy ra ở thiết bị khác.

° Việc dừng nhà máy có ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, ngân sách cho tỉnh Quảng Ngãi?

° Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng không nhiều. Bởi vì 4 tháng đầu năm NMLD Dung Quất đã sản xuất vượt kế hoạch 20%. Khi khởi động lại, nhà máy sẽ chạy vượt công suất 5%, bù lại sản lượng thiếu hụt (khoảng trên 500.000 tấn sản phẩm).

° Nhân lực thực hiện tổng kiểm tra, rà soát đợt này?

° Chủ yếu là nhân lực của nhà máy, tư vấn hỗ trợ Hàn Quốc (đơn vị hỗ trợ vận hàn bảo dưỡng nhà máy). Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động mời một số chuyên gia, nhà thầu bản quyền công nghệ, các nhà tư vấn và nhà thầu Technip với khoảng trên 1.200 người.

° Khi nào nhà máy sẽ được bàn giao, thưa ông?

° Nếu ký được bản nghiệm thu lần cuối vào thời gian dự kiến, ngay sau đó về mặt pháp lý, toàn toàn bộ nhà máy đã được chuyển giao hết cho mình. Lúc đấy mình toàn quyền vận hành, sản xuất, kinh doanh, Technip xem như đã hết trách nhiệm. Số nhân lực của Technip cũng sẽ rút hết hoàn toàn sau hai năm cắm lại thường xuyên ở Dung Quất. Sau này, nếu nhà máy cần sửa chữa, bảo dưỡng thì đơn vị chủ quản phải tự bỏ kinh phí ra thuê nhân lực.

° Liên quan đến việc bán 49% cổ phần của nhà máy, hiện tại thế nào, thưa ông?

° Các công ty có tiềm năng để mua cổ phần nhà máy vẫn đang tìm hiểu. 3 đối tác là JX Nippon (Nhật Bản), Petróleos de Venezuela SA (Venezuela) và SK (Hàn Quốc) chưa có công ty nào tiến tới đàm phán chi tiết. Khi nhà máy được bàn giao hoàn toàn cho BSR không ảnh hưởng đến việc bán CP nhà máy. Bởi đối tác chỉ mới tìm hiểu nhà máy có cấu hình như thế nào, sản xuất kinh doanh, các chế độ của Nhà nước áp dụng cho sản phẩm của nhà máy ra sao…

° Kế hoạch mở rộng và nâng công suất nhà máy từ 6,5 triệu tấn hiện nay lên 10 triệu tấn, thưa ông?

° Hiện vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch đề ra ban đầu. Khâu nghiên cứu khả thi chi tiết do nhà thầu Nhật Bản thực hiện đã hoàn tất. Bước tiếp theo, nếu nguồn tài chính đáp ứng rõ ràng hơn sẽ là đấu thầu, thuê đối tác tham gia thiết kế tổng thể. Tuy nhiên, khó khăn vẫn là vấn đề tài chính, việc chúng ta đang kêu gọi CP hóa cũng liên quan đến vấn đề tài chính để trả cho chi phí thiết kế.

° Có thông tin năm 2011, NMLD Dung Quất kinh doanh lỗ nên việc mở rộng nhà máy, nâng công suất khó khăn, thưa ông?

° Không có chuyện NMLD Dung Quất sản xuất kinh doanh lỗ, mà lỗ là do cơ chế. Là bởi, do BSR nhập dầu thô bằng USD, bán ra xăng, dầu bằng VNĐ. Rồi lại phải đổi VNĐ ra USD để nhập dầu thô. Trong khi không thể đổi được bằng giá của ngân hàng niêm yết. Ngân hàng niêm yết 20.500 đồng/USD, chúng tôi toàn phải đổi với giá 21.000 đồng/USD. Nhất là năm 2011 sốt USD, nên tỷ giá chênh lệch quy đổi giữa giá niêm yết với giá thị trường lên đến mấy ngàn tỷ đồng. Nếu không có khoản lỗ đó, nhà máy lời to nữa. Nhưng lỗ là do khách quan, không phải do BSR, vì BSR có bán cho dân bằng USD được đâu, phải bán bằng tiền đồng chứ. Lỗ do cơ chế chính sách của Nhà nước, do khách quan, do thị trường tiền tệ trong nước không nhất quán. Vì vậy, BSR đã kiến nghị qua PVN (Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam) đang xin cơ chế tài chính để Nhà nước nhìn nhận lại vấn đề xảy ra là do khách quan, để đề nghị Nhà nước hỗ trợ bằng cách bù vào chênh lệch tỷ giá quy đổi, khi đó nhà máy sẽ lãi ngay. Mà trên thực tế thì khoản lỗ này sẽ phải tính vào khoản vay USD để xây dựng nhà máy, ảnh hưởng đến việc trả lãi chậm hơn nên hiện Chính phủ đang xem xét đề xuất từ phía BSR và PVN.

Toàn cảnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Toàn cảnh Nhà máy lọc  dầu Dung Quất.

Hà Minh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục