Nhà máy xử lý rác hiện đại: quan trọng và cấp bách

Không có con số chính xác nhưng theo Bộ TN-MT, trên cả nước có hàng trăm ngàn cơ sở tái chế rác thải. Tại TPHCM, theo thống kê trước thời điểm dịch Covid-19 của Sở TN-MT cũng có vài ngàn cơ sở tái chế, tập trung chủ yếu ở quận 6, 8, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh...

Tuy nhiều về số lượng nhưng chất lượng hoạt động của hầu hết các cơ sở này đều rất lạc hậu với quy mô nhỏ và… siêu nhỏ. Theo đó, có đến hơn 90% cơ sở tái chế chất thải không có cán bộ chuyên trách về môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải và không có hệ thống xử lý khí thải.

Đáng lo ngại, nhiều cơ sở lại nằm sâu trong các khu dân cư, quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm nặng nề cho người dân trong khu vực. Cuối tháng 8-2023 vừa qua, Báo SGGP đã có bài “Ngộp thở vì cơ sở tái chế phế liệu trong khu dân cư” phản ánh tình trạng này. Sau bài viết của Báo SGGP, thành phố đã yêu cầu Sở TN-MT và các quận, huyện có kế hoạch di dời các cơ sở này ra khỏi khu dân cư.

Theo Bộ TN-MT, phần lớn cơ sở tái chế rác thải ở nhiều tỉnh, thành đều mang tính thủ công, không có hệ thống xử lý nước và khí thải, công nhân làm việc không có đồ bảo hộ cần thiết, nguyên liệu đầu vào là phế liệu không được làm sạch nên quá trình tái chế gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Hiện nay, có 3 loại rác thải được tái chế nhiều nhất là giấy, kim loại và nhựa... Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, để việc phân loại rác tại nguồn và sử dụng nguồn nguyên liệu này một cách hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, cấp thiết phải có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế rác hiện đại, thân thiện với môi trường.

Theo TS Nguyễn Trung Việt, nguyên Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở TN-MT TPHCM, hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM, để việc đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế rác thải hiện đại được tiến hành nhanh, phần nào cập nhật được với lộ trình thực hiện quy định về phân loại rác tại nguồn sắp sửa có hiệu lực, nên chăng nhà nước cấp thiết có chính sách kêu gọi đầu tư cụ thể trong từng lĩnh vực tái chế.

Những loại rác tái chế dễ và có khả năng thu lợi cao như dầu thải, giấy, nhựa cứng, rác thực phẩm, nên kêu gọi đầu tư từ vốn xã hội hóa. Các loại rác khó tái chế hơn, gây ô nhiễm môi trường như túi ni lông mỏng, màng nhựa…, Nhà nước nên đầu tư cho công tác xử lý hoặc có chính sách ưu đãi đặc biệt hơn để thu hút doanh nghiệp tham gia.

Quan trọng hơn, các địa phương cần cập nhật vào đồ án quy hoạch chung xây dựng những khu vực có thể cho phép hình thành các khu công nghiệp tái chế hiện đại. Phản ánh từ nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường thời gian qua cho thấy, do chưa có quy hoạch về phát triển công nghiệp tái chế nên nhiều địa phương rất lúng túng trong việc cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động.

Chưa kể, nhiều địa phương còn có tâm lý ngần ngại, không muốn cho doanh nghiệp tái chế hoạt động ở địa phương mình vì cho rằng như vậy sẽ đưa rác về địa phương, gây ô nhiễm môi trường (!?). Nhiều địa phương lại nghĩ đơn giản cứ đốt hết hoặc chôn hết rác mà không biết đang bỏ phí đi một nguồn tài nguyên lớn. Tâm lý này rất đáng lo ngại vì như thế sẽ dẫn dắt đến vấn đề: Cần phân loại rác làm gì?

Chưa kể, có muốn đốt hoặc chôn rác hết cũng không được vì nhiều người do nhu cầu của cuộc sống vẫn thu gom ve chai và bán cho các vựa ve chai. Số ve chai này sẽ được bán cho các cơ sở tái chế thủ công đã và đang hoạt động, gây ô nhiễm môi trường ở rất nhiều nơi.

Việc khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế rác hiện đại không có nghĩa chấm dứt hoạt động của các cơ sở tái chế thủ công ngay, mà những cơ sở này muốn hoạt động buộc phải đầu tư đổi mới công nghệ, di dời vào các khu công nghiệp để đảm bảo khí thải và nước thải được xử lý đúng quy định.

Phân loại rác tại nguồn, thu gom rồi tái chế là một quá trình xuyên suốt phải thực hiện đầy đủ, đồng bộ thì mới đạt được mục tiêu cuối cùng là bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên từ rác thải.

Tin cùng chuyên mục