Nhà nhập khẩu không “buông” dệt may Việt Nam

Chịu tác động lớn từ ảnh hưởng nợ công ở EU, xuất khẩu (XK) dệt may của Việt Nam (VN) vào thị trường EU tiếp tục giảm sút. Tuy nhiên, XK dệt may vẫn giữ vững tăng trưởng trong khó khăn, dệt may là ngành hàng XK duy nhất của VN đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong tháng 3-2012, đạt 3,23 tỷ USD XK trong quý 1-2012, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Nhà nhập khẩu không “buông” dệt may Việt Nam

Chịu tác động lớn từ ảnh hưởng nợ công ở EU, xuất khẩu (XK) dệt may của Việt Nam (VN) vào thị trường EU tiếp tục giảm sút. Tuy nhiên, XK dệt may vẫn giữ vững tăng trưởng trong khó khăn, dệt may là ngành hàng XK duy nhất của VN đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong tháng 3-2012, đạt 3,23 tỷ USD XK trong quý 1-2012, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2011.

Tăng trưởng trong khó khăn

Dù tình hình sản xuất, XK đang đối mặt với nhiều khó khăn, đơn hàng giảm sút, chậm nhưng việc đạt kim ngạch XK 1,15 tỷ USD trong tháng 3-2012, dệt may tiếp tục giữ vững tiến độ XK. Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), trong 3 thị trường XK chính là Mỹ, EU, Nhật Bản (NB) thì XK vào EU có sự giảm sút nhiều nhất.

Hiện Mỹ - thị trường XK chính, chiếm khoảng 52% thị phần XK dệt may của VN vẫn có sự ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ đang giảm dần, một dấu hiệu tích cực cho sự ấm dần lên của kinh tế Mỹ đã phần nào xua tan khó khăn trong XK dệt may vào thị trường này. Với những lợi thế trong tận dụng ưu đãi thuế quan, XK dệt may của VN vào NB vẫn tốt, có tăng trưởng.

Trong những năm gần đây, tăng trưởng XK dệt may vào EU không nóng bằng những thị trường khác nhưng vẫn có tăng trưởng khá. Năm 2011, XK dệt may vào EU đạt khoảng 2,4 tỷ USD, tăng 25%. Theo các doanh nghiệp (DN) dệt may, XK vào EU bị ảnh hưởng, sụt giảm rõ nhất, tăng trưởng XK vào EU đã giảm xuống còn 1 con số. So với mức giảm 15% của thị trường dệt may thế giới thì dệt may VN không giảm, vẫn giữ được tăng trưởng.

Sản xuất quần jeans xuất khẩu vào Mỹ tại Xí nghiệp may Tân Phú - Công ty Dệt may Gia Định.
Sản xuất quần jeans xuất khẩu vào Mỹ tại Xí nghiệp may Tân Phú - Công ty Dệt may Gia Định.

Hiện nay, ảnh hưởng khó khăn chung, sức mua toàn cầu giảm, phần lớn các nhà nhập khẩu đặt đơn hàng nhỏ, giảm bớt sản lượng, đơn hàng đặt trước không nhiều. Những DN XK phần lớn vào EU gặp khó khăn nhiều hơn. Để điều phối tốt sản xuất, các DN chuyên XK vào EU đã chuyển sang may đơn hàng cho những thị trường khác. Điều này cũng dẫn đến cạnh tranh trong chính các DN dệt may VN. Cùng với áp lực gia tăng chi phí đầu vào, giá bán lại không tăng đã thu hẹp lợi nhuận của DN.

Phó Chủ tịch Vitas Phạm Xuân Hồng nhận định, bên cạnh khó khăn trong nước, DN XK dệt may cũng đang đau đầu trước cạnh tranh của các nước XK dệt may trong khu vực như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia, Campuchia… Vì khó khăn chung, những nước này cũng đang đưa ra giá bán cạnh tranh để thu hút đơn hàng. Làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc (TQ) sang các nước lân cận trong vài năm gần đây cũng giảm dần, bởi kinh tế TQ cũng đang gặp khó khăn, DN TQ cũng phải giữ lại đơn hàng để sản xuất. Với lợi thế chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ, rõ ràng DN dệt may VN gặp nhiều bất lợi trong cạnh tranh.

Lợi thế của dệt may Việt Nam

Trong 3 thị trường XK chủ lực của dệt may VN, thời điểm hiện nay EU là thị trường đáng lo nhất của dệt may VN. Tuy nhiên, bù vào khoản thâm hụt của thị trường EU, DN dệt may VN đã đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới. Chính sách ưu đãi miễn thuế trong Hiệp định Thương mại song phương Việt - Nhật (VJEPA) có hiệu lực từ ngày 1-10-2009 đã tạo ra động lực lớn cho các nhà nhập khẩu. NB - thị trường XK quan trọng thứ 3 của dệt may VN đạt đích trên 1 tỷ USD trong năm 2010 và trong những tháng đầu năm 2011 vẫn đang tiếp tục đạt tăng trưởng cao trên 33%. Và năm nay, chắc chắn Hàn Quốc (HQ) sẽ là thị trường thứ 4 mà dệt may VN đặt mốc XK 1 tỷ USD. Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - HQ năm 2007 đã giúp dệt may VN tiến nhanh hơn vào thị trường HQ. Trong năm 2011, VN XK dệt may vào HQ đạt 904 triệu USD, tăng trưởng 145%. Tăng trưởng XK dệt may vào Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2012 vẫn giữ mức tăng kỷ lục với 55%. Ngoài HQ, các thị trường mới của dệt may VN như Nga, Chile, Brasil… đang có hướng tăng trưởng tốt.

Với việc mở rộng ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương với các nước và khu vực đã và đang mở ra hướng XK tích cực cho hàng hóa VN. Trong đó, dệt may được xem là một trong những ngành hàng có nhiều lợi thế cạnh tranh, mở rộng XK. Một trong những kỳ vọng lớn của dệt may VN là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đích nhắm của dệt may VN chính là thị trường Mỹ.

Ngay trong thời điểm sụt giảm XK vào EU như hiện nay, dệt may VN vẫn còn nhiều cơ hội để gia tăng thị phần XK vào EU, một thị trường tiêu thụ lớn của thế giới. Theo nghiên cứu vừa công bố của Liên hiệp Dệt may Pháp, thị phần dệt may TQ ở châu Âu ngày càng thu hẹp. Nguyên nhân chính của việc thu hẹp này chính là giá nhân công của TQ tăng cao so với nhiều nước ở châu Á. Cùng với đó, xu hướng DN TQ bỏ đơn hàng nhỏ từ nhà nhập khẩu. Điều này đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho các nước XK dệt may khác. Hiện nay, hàng dệt may từ Bangladesh, Pakistan, VN đang gia tăng XK vào EU. Điều này cũng có thể thấy, khi có nhiều nhà nhập khẩu Pháp đã có bước tìm hiểu, đẩy mạnh mua hàng dệt may VN trong thời gian gần đây. Các chuyên gia nhận định, dù chịu nhiều sức ép cạnh tranh nhưng dệt may VN vẫn có những lợi thế riêng, nhất là ưu đãi thuế quan từ các chính sách thương mại. Do vậy, nhà nhập khẩu sẽ không dễ gì “buông” nguồn cung dệt may từ VN.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục