Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bách Thảo:“Nhiếp ảnh đồng bằng chưa chuyên nghiệp”

Nguyễn Bách Thảo.
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bách Thảo:“Nhiếp ảnh đồng bằng chưa chuyên nghiệp”
Trò chuyện với chúng tôi ngay sau buổi nhận giải cao nhất của cuộc thi qua mạng “Việt Nam đang chuyển động”, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bách Thảo xúc động:

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bách Thảo:“Nhiếp ảnh đồng bằng chưa chuyên nghiệp” ảnh 1

Niềm tin. Ảnh: Nguyễn Bách Thảo.

- Vinh dự này không chỉ là động lực cho riêng tôi mà còn cho cả anh em nhiếp ảnh ở Vĩnh Long và đồng bằng sông Cửu Long. Thành quả này cũng có phần đóng góp của tỉnh Vĩnh Long, một trong những địa phương quan tâm đầu tư cho nhiếp ảnh nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung, bằng các chuyến đi thực tế sáng tác, triển lãm, liên hoan nghệ thuật…

- Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa lớn nhất, là khu vực giàu tiềm năng kinh tế, mà còn là vùng đất có nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng, quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, con người lại phóng khoáng, nghĩa khí. Thưa nghệ sĩ, theo ông, nghệ thuật nhiếp ảnh đã có những tác phẩm phản ánh kịp thời và tương xứng với sự phát triển của vùng đất này?

- Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có phong trào nhiếp ảnh khá mạnh so với các địa phương khác. Nói chung, theo tôi, nhiếp ảnh ở TPHCM mạnh hơn Hà Nội, nhiếp ảnh phía Nam mạnh hơn phía Bắc. Tuy vậy, một vùng đất rộng lớn và phong phú như đồng bằng sông Cửu Long luôn là thách thức cho giới nhiếp ảnh tìm tòi sáng tạo. So với sự phát triển của kinh tế- xã hội thì nhiếp ảnh chưa phản ánh kịp thời muôn mặt đời sống. Lực lượng nhiếp ảnh khá đông nhưng chưa đủ nhiệt tình, còn thiếu tay nghề, thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh cần kết hợp với các địa phương để đầu tư, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, các trại sáng tác hơn nữa để anh em có cơ hội nâng cao kiến thức và tay nghề sáng tạo.

- Vốn xuất thân nhà giáo, một nghề mô phạm, trong khi nhiếp ảnh nghệ thuật đòi hỏi sự bay bổng, lãng mạn. Vậy giữa hai nghề này có gì mâu thuẫn trong ông?

- Không mâu thuẫn mà còn hỗ trợ nhau rất nhiều. Nhà giáo cũng là người làm công tác văn hóa, mà tôi lại vốn là giáo viên văn, có thế mạnh về kiến văn và giao tiếp. Ví dụ, tôi muốn nhờ một người mẫu để chụp ảnh lúc đầu họ từ chối, nhưng nhờ cách ứng xử của mình mà tôi thuyết phục được họ đồng ý. Hay khi đến chụp ảnh các công ty, xí nghiệp gặp nhiều khó khăn, tôi cũng có cách hành xử đúng để họ tạo điều kiện cho mình tác nghiệp. Thậm chí khi chụp ảnh một cô thôn nữ đang cấy lúa cũng vậy, mình phải biết cách ứng xử để họ giúp mình có được tấm ảnh ưng ý. Hành xử văn hóa trong tác nghiệp nhiếp ảnh rất quan trọng.
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bách Thảo:“Nhiếp ảnh đồng bằng chưa chuyên nghiệp” ảnh 2

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bàch Thảo.

- Nghĩa là theo ông, ngoài kiến thức nghề nghiệp thì nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng cần phải có vốn kiến thức văn hóa và đời sống?

- Đúng vậy. Ngoài tài năng và niềm đam mê nghề nghiệp, nhà nhiếp ảnh cần phải học nhiều thứ, mà chủ yếu là qua thực tế chứ không phải trường lớp như các nghề khác. Những bậc tiền bối trong nghề nhiếp ảnh nước ta như Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Đinh Đăng Định, Nguyễn Bá Khoản, Triệu Đại… để lại cho thế hệ sau nhiều kinh nghiệm quý, cần phải học tập.

- Sinh thời, nghệ sĩ Lâm Tấn Tài có nhiều gắn bó với giới nhiếp ảnh đồng bằng sông Cửu Long. Riêng ông có kỷ niệm gì không?

- Lâm Tấn Tài không chỉ là một nghệ sĩ tài năng mà còn có công lớn trong việc khởi xướng, xây dựng phong trào nhiếp ảnh, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long. Tôi với anh ấy có nhiều kỷ niệm lắm. Năm 2000 nhân dịp khánh thành cầu Mỹ Thuận, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TPHCM tổ chức một cuộc thi ảnh nghệ thuật. Trong số hơn 500 ảnh dự thi, bức Cung đàn quê hương của tôi đoạt giải nhì. Sau khi tổ chức trao giải, anh Lâm Tấn Tài có hỏi: “Cậu nghĩ gì khi đặt tên bức ảnh là Cung đàn quê hương?”. Tôi nói mình vốn sinh ra ở miền Bắc, sống ở Nam bộ nên yêu thích cải lương, trong ban nhạc cải lương không thể thiếu cây đàn tranh 16 dây, tương ứng với cầu Mỹ Thuận có 8 vỉ, mỗi vỉ 16 dây văng. Hàng đêm, khi đèn trang trí bật lên hắt sáng rõ từng sợi dây văng, cùng với âm thanh của gió ngân rung, làm cho cầu Mỹ Thuận giống như cây đàn huyền diệu giữa bầu trời. Nghe tôi diễn tả, anh Lâm Tấn Tài cười ưng ý. Đó cũng là lần cuối cùng tôi trò chuyện cùng người nghệ sĩ tài hoa này.

- Ông quan niệm thế nào về ảnh khỏa thân?

- Ảnh khỏa thân có giá trị nghệ thuật riêng của nó, nhưng phải chụp thế nào cho đẹp, không thô thiển, tránh những hậu quả không lành mạnh. Người nghệ sĩ có quyền đi tìm cái đẹp, nhưng không được lợi dụng cái đẹp, nhất là vẻ đẹp cơ thể người phụ nữ để mưu cầu những lợi ích tầm thường.

- Ông và con trai Nguyễn Vinh Hiển cùng là nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, đó là thuận lợi lớn. Vậy bà nhà có hỗ trợ gì cho hoạt động nghệ thuật của hai cha con?

- Vợ tôi là “chánh văn phòng”, lo hậu cần, động viên, góp ý cho từng bức ảnh, và có thể nói cả nhà tôi đều là giám khảo. Con trai lớn của tôi cũng là một người say mê chơi ảnh. Tôi có một cửa hiệu ảnh ở đường Nguyễn Huệ, Vĩnh Long là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình để cha con có điều kiện đi săn ảnh nghệ thuật.

- Xin cảm ơn.

PHAN PHÚ YÊN

Tin cùng chuyên mục