Với mong muốn đi tìm cho được câu trả lời từ các sở, ban ngành liên quan ở TPHCM về việc tại sao chậm cho doanh nghiệp bất động sản chuyển đổi căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến khá thú vị. Đầu tiên là một chuyên gia của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM ví von, giống như nhà sản xuất đã “lỡ” sản xuất ra siêu xe ô tô hạng sang, trong khi đó, người dân chỉ có khả năng chi trả cho xe gắn máy.
Nhà nước không thể cắt siêu xe ô tô ra từng mảnh để phù hợp với sức mua của người dân vì lúc đó, ô tô không còn mà từng mảnh ô tô cũng không thể làm gì được. Tất nhiên, việc “xẻ” căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ không phải là những nhát cắt đơn thuần như cắt ô tô nhưng cũng không dễ. Bởi lẽ, một căn hộ rộng 100m² với hai phòng ngủ, hai nhà vệ sinh, một bếp... cắt lại thành 2 căn hộ rộng 50m²/căn hộ với cơ cấu phòng như trên là phải tính toán lại rất nhiều vấn đề…. Đó là chưa kể, số người tăng lên và rồi còn phải cân đối dân số trong chung cư với cả khu vực… Theo chuyên viên này, cách hay nhất, Nhà nước tìm nguồn lực, mua lại những căn hộ (có chất lượng) và có kế hoạch bán ưu đãi lại cho cán bộ công nhân viên như là một trong những chính sách thu hút người tài vào khu vực công.
Thật bất ngờ, đây cũng là ý kiến của một số chuyên gia về phát triển đô thị. Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình giảng dạy Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM phân tích, giá nhà trung bình ở Việt Nam cao gấp 25 lần thu nhập bình quân hàng năm của các hộ gia đình. Mức này cao hơn rất nhiều so với 7 lần ở châu Âu, 6,3 lần ở Thái Lan và 5,2 lần ở Singapore. Nếu ước tính chi phí nhà ở chiếm 30% thu nhập, thì ít nhất phải mất khoảng 30 năm dành dụm (không đau ốm, bệnh tật), người dân mới mua được nhà. Thời gian gần đây, giá nhà đất đã giảm nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, đặc biệt là khối cán bộ công chức. Do vậy, sẽ hay hơn nếu dùng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cũng như những nguồn lực khác để tập trung vào một nhóm cụ thể - những người đang làm việc trong khu vực công. Việc này sẽ giúp giải quyết vấn đề mức lương trong khu vực nhà nước, không đủ sống và nhiều người giỏi không có động cơ vào khu vực công làm việc một cách trong sáng.
Điều lạ là, nhiều doanh nghiệp bất động sản lại không đồng ý theo cách này. Họ cho rằng, mua lại các căn hộ “tồn kho” của doanh nghiệp là Nhà nước sẽ gánh dùm doanh nghiệp gánh nặng này. Nếu Nhà nước bán không được, chúng sẽ trở thành “nợ xấu” và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản, Nhà nước chỉ cần đẩy nhanh tiến độ cho doanh nghiệp chuyển đổi căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ là đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết “hàng tồn kho” cho doanh nghiệp, cho thị trường bất động sản.
TÂM ĐỨC