Nhà sách thành thư viện

Vừa qua, tại hội thảo toàn quốc về tăng cường phục vụ thiếu nhi trong hệ thống thư viện công cộng được tổ chức tại TPHCM, đa số đại biểu đều nhìn nhận, hệ thống thư viện công cộng dành cho thiếu nhi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nhà sách thành thư viện

Vừa qua, tại hội thảo toàn quốc về tăng cường phục vụ thiếu nhi trong hệ thống thư viện công cộng được tổ chức tại TPHCM, đa số đại biểu đều nhìn nhận, hệ thống thư viện công cộng dành cho thiếu nhi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

  • Không gian đọc sách

Khó khăn của các thư viện công cộng, nhất là thư viện thiếu nhi chủ yếu là vấn đề kinh phí, dẫn đến thiếu sách mới, lượng sách cũ trở nên đơn điệu không phù hợp với thực tế. Đó được xem là nguyên nhân chính khiến các em thiếu nhi ít đến với thư viện.

Thiếu nhi huyện Cần Giờ TPHCM say mê đọc tại nhà sách.

Thiếu nhi huyện Cần Giờ TPHCM say mê đọc tại nhà sách.

Tuy nhiên, việc sa sút của hệ thống thư viện thiếu nhi chỉ nhìn thấy rõ ở các vùng sâu, vùng xa. Ở các đô thị trong cả nước hiện nay đâu đâu cũng có nhà sách lớn, siêu thị sách. Tại những nơi này, lượng sách luôn đa dạng, đầy đủ đi cùng không gian thoáng đãng, hiện đại. Chính vì thế, đi cùng với sự xuất hiện của mô hình siêu thị sách là sự xuất hiện của nhu cầu đọc sách trong siêu thị. Dần dần, đọc sách trong siêu thị trở thành một thói quen với thiếu nhi.

Ban đầu, thói quen này là một trở ngại trong công việc kinh doanh của các nhà sách. Bạn đọc nhất là thiếu nhi khi đọc sách thường choán nhiều chỗ, thậm chí với trẻ em còn ngồi, nằm gây mất mỹ quan. Các nhà sách khi đó tìm đủ mọi cách để ngăn chặn tình trạng này.

Tuy nhiên, về sau những người kinh doanh nhận thấy nhu cầu đọc sách trong nhà sách lợi nhiều hơn hại, khách đọc quen thì khi mua sách cũng chọn nhà sách quen. Dần dần nhiều đơn vị còn tổ chức các khu vực đọc sách ngay trong nhà sách.

Chị Hà, phó quản lý nhà sách Fahasa Tân Định cho biết: “Ban đầu, trong một sự kiện, nhà sách có tổ chức một khu vực riêng đọc sách cho thiếu nhi với thời gian 1 tuần lễ. Thế nhưng sau đó, hình thức này được thiếu nhi và phụ huynh hết sức ủng hộ nên đơn vị chuyển qua duy trì liên tục”.

Khu vực đọc sách riêng từ Fahasa Tân Định dần dần lan ra các nhà sách Fahasa khác. Công ty Văn hóa Phương Nam cũng tổ chức những khu đọc sách trong hệ thống nhà sách của mình nhưng phát triển lên lại có cả phục vụ cà phê, ăn nhẹ. Hệ thống nhà sách Thành Nghĩa còn gắn kết khu đọc sách với các loại hình giải trí như tô tượng, tranh cát. Nhiều đơn vị nhà sách có quy mô nhỏ thì chỉ đơn giản là bày ra vài chiếc ghế nhựa nhưng cũng đủ để bạn đọc có được một không gian đọc sách.

  • Kinh doanh gắn với hoạt động xã hội

Cũng chính từ sự phát triển của thói quen đọc sách tại nhà sách mà đầu năm 2012, thực hiện chủ trương của UBND TPHCM về nâng cao đời sống văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, Fahasa khai trương nhà sách Fahasa Cần Giờ. Đã nhiều năm, cả huyện Cần Giờ không có một nhà sách nào, chỉ vỏn vẹn 1 phòng đọc thiếu nhi và 1 thư viện nhưng xuống cấp khá nhiều. Nhà sách có quy mô lớn ra đời nhưng hiệu quả kinh doanh còn thấp, thế nhưng hiệu quả xã hội thì lại rất cụ thể. Nhà sách đã trở thành một thư viện lớn cho người dân nhất là thiếu nhi đến đọc sách miễn phí...

Thực tế nhà sách, siêu thị sách không thể thay thế thư viện. Nhà sách chỉ đáp ứng phần nào đó nhu cầu đọc, mà cũng chỉ giới hạn ở giới trẻ, thiếu nhi. Nhưng trong tình hình hiện nay, điều đó đã góp phần không nhỏ làm giảm gánh nặng cho các thư viện và mở rộng phạm vi phục vụ bạn đọc trên nhiều địa bàn khác nhau.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục