Khi bóng bàn lao chao tìm tài trợ

Nhà tài trợ, anh ở đâu ?

Nằm trong nhóm môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam, nhưng khi bóng đá lẫn bóng chuyền đều tìm được hướng phát triển nhờ công tác vận động tài trợ ổn định, thì môn bóng bàn vẫn “giậm chân tại chỗ” với bài toán khó tìm được Mạnh Thường Quân. Năm này qua tháng nọ, người ta quen với một vài cái tên quen thuộc như báo Nhân Dân, báo Quốc tế, ngân hàng Agribank, rồi hết! Chẳng biết đến khi nào mới khá?

  • Ban chấp hành Liên đoàn cũ quá yếu
Nhà tài trợ, anh ở đâu ? ảnh 1

Giải Cây Vợt Vàng danh tiếng của bóng bàn Việt Nam,những năm gần đây đã bắt đầu mất chất dần vì khó kiếm tài trợ.Ảnh: DŨNG PHƯƠNG.

Đó là một trong những nguyên nhân lớn khiến công tác tìm tài trợ cho bóng bàn Việt Nam bế tắc trong suốt thời gian dài. 15 thành viên của BCH cũ hầu hết thuộc biên chế ngành TDTT, làm việc theo kiểu kiêm nhiệm, nên rất hạn chế trong điều hành, quản lý hoạt động của Liên đoàn. Trong số họ, tìm không ra người đủ khả năng vận động, kiếm nguồn tài trợ, lo kinh phí cho các hoạt động chuyên môn của bóng bàn dù chỉ cho vài giải đấu trong năm. Ngay bản thân cựu Chủ tịch khóa 3 Đinh Hạnh phải thừa nhận: “Hạn chế của BCH nhiệm kỳ qua đó là công tác xã hội hóa còn rất yếu. Tiếng là Liên đoàn quốc gia, nhưng tài sản của chúng tôi chỉ có 5 bàn bóng bàn, 1 tủ đựng tài liệu, 2 máy vi tính, trong đó có một máy được trang bị từ năm 1998. Kinh phí hoạt động của LĐ  chủ yếu trông cậy vào tài “ngoại giao” của Chủ tịch và Phó chủ tịch thứ nhất. Nếu không gấp rút chuẩn bị một bộ phận chuyên lo tiếp thị, xin tài trợ thì e rằng thời gian tới LĐ sẽ không hoạt động được và chẳng có gì để tồn tại”.

  • Sa sút thương hiệu, nhà tài trợ quay lưng

Mỗi năm, bóng bàn Việt Nam có 6 giải quốc gia chính dành cho các lứa tuổi (VĐQG, Cúp các CLB, giải trẻ …). Mỗi giải, chi phí tổ chức “nuốt” mất hơn 300 triệu đồng. Nhưng nguồn kinh phí này suốt thời gian qua do ngân sách Nhà nước gồm UBTDTT, Sở TDTT địa phương cấp là chủ yếu. Liên đoàn bóng bàn Việt Nam có đứng ra tìm tài trợ, nhưng số tiền mang về chỉ như “muối đổ bể”. Mất đứt gần 2 tỷ cho công tác tổ chức. Bóng bàn Việt Nam cần thêm 1-2 tỷ nữa rót vào quỹ tiền thưởng cho VĐV, cho những chuyến tập huấn nước ngoài và quan trọng hơn là tìm được một HLV giỏi giúp nâng tầm các tay vợt của chúng ta. Rõ ràng, đây là bài toán nan giải cho những người có trách nhiệm của Liên đoàn, của bộ môn.

Giải quốc nội ít, chất lượng chuyên môn lại sa sút, các tay vợt Việt Nam cũng chẳng tìm đâu ra kinh phí để dự hàng chục giải mời ở khu vực, châu lục và thế giới… mỗi năm. Nên những tài năng như Đinh Quang Linh, Dương Văn Nam, Mai Hoàng Mỹ Trang, Phạm Thị Thiên Kim… thành tích chỉ quanh quẩn ở “ao làng” khu vực. Và cũng không bất ngờ khi nhiều nhà tài trợ quay lưng lại với môn thể thao từng một thời có số lượng người chơi chỉ kém bóng đá.

Sáng giá như giải quốc tế Cây vợt vàng TPHCM hiện cũng đang lao đao, dù mỗi năm kiếm được vài chục Mạnh Thường Quân hỗ trợ. Trước đây, mọi chuyện có vẻ dễ khi nhiều tay vợt hàng đầu châu lục (cũng là thế giới) tham dự. Nhưng càng ngày, thương hiệu giải càng giảm, khiến công tác vận động tài trợ của BTC cũng vất vưởng theo. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký LĐBB TPHCM Nguyễn Trọng Trúc, người nhiều năm “lăn lộn” với công tác vận động tài trợ, tỏ ra mệt mỏi: “Chuyện tìm cho giải một nhà tài trợ chính lâu dài thật quá khó. Chính vì vậy, chúng tôi vận động được càng nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ giải càng tốt. Đó cũng là cách để san sẻ gánh nặng. Cứ trước ngày diễn ra giải, BCH Liên đoàn lại chia nhau mỗi người mỗi ngả đi tìm nhà tài trợ”. Việc kiếm nhà tài trợ càng lúc càng mang tính chất nhằm cứu giải khỏi đổ vỡ thì đúng hơn!

Cuộc “thay máu” ở Ban chấp hành LĐBBVN khóa 4 đã diễn ra vào cuối năm ngoái với hướng xã hội hóa thực sự. Bằng chứng là người ta nhận ra bóng dáng của rất nhiều doanh nhân, khối doanh nghiệp, nhà quản lý kinh tế cùng “chung lưng đấu cật” ở tương lai. Tổng thư ký LĐBBVN Phạm Đức Thành cho hay trong năm 2007, LĐ sẽ quyết tâm tháo gỡ từng bước khó khăn về kinh phí. Đầu tiên là cố gắng tìm được nguồn thu để hỗ trợ tiền thưởng cho các VĐV dự giải toàn quốc, quốc tế... Vịn vào điều đó, nên mọi người đang hy vọng môn thể thao mũi nhọn của Việt Nam sẽ sống dậy, khán giả sẽ lại ngập tràn các khán đài NTĐ mỗi khi bóng bàn mở giải…

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục