Nhà Trắng, Nhà Xanh và Triều Tiên

Cũng như nhiều người tiền nhiệm, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vẫn là nước Mỹ. Thế nhưng chuyến thăm lần này của chủ nhân Nhà Xanh mang nhiều ý nghĩa hơn vì diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và những căng thẳng xung quanh quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) với Hàn Quốc và Mỹ.

Cũng như nhiều người tiền nhiệm, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vẫn là nước Mỹ. Thế nhưng chuyến thăm lần này của chủ nhân Nhà Xanh mang nhiều ý nghĩa hơn vì diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và những căng thẳng xung quanh quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) với Hàn Quốc và Mỹ.

Cùng đi với bà Park sang Mỹ có một phái đoàn 52 thành viên gồm các nhà lãnh đạo kinh doanh, trong đó có Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee và Chủ tịch Hyundai Chung Mong-koo. Mục đích của họ là trấn an các nhà đầu tư Mỹ trong môi trường căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc với kim ngạch hai nước đạt gần 59 tỷ USD trong năm 2012. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng rất nôn nóng trong việc yêu cầu Washington cho phép nước này quyền phát triển năng lượng hạt nhân. Hiệp định song phương về vấn đề này năm 1974 không cho phép Hàn Quốc sản xuất hay làm giàu năng lượng hạt nhân. Hiệp định này hết hạn vào tháng 3-2014 nhưng vừa được hai bên gia hạn thêm 2 năm.

Nhưng trên hết, trong chương trình nghị sự của lãnh đạo cấp cao Mỹ-Hàn vẫn là cách thức đối phó với Triều Tiên. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhóm công nhân cuối cùng của Hàn Quốc rút khỏi khu công nghiệp chung hai miền Triều Tiên Keasong, chính thức kết thúc hoạt động hợp tác duy nhất về kinh tế giữa hai bên kể từ năm 2004. Chuyến thăm cũng diễn ra khi Triều Tiên tái khẳng định sẽ không giảm án cho công dân người Mỹ Kenneth Bae vừa bị Bình Nhưỡng kết án 15 năm lao động khổ sai. Rõ ràng, bài toán Triều Tiên không hề đơn giản với Mỹ và Hàn Quốc. Ngoài ra, từ ngày 6 đến 10-5, Mỹ và Hàn Quốc tập trận chống tàu ngầm tại vùng biển phía Tây của Hàn Quốc với sự tham gia của nhiều tàu khu trục, tàu ngầm và máy bay giám sát của cả hai bên.

Bất chấp căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên dâng cao kể từ khi nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhậm chức hồi tháng 12-2012 tới nay, các nhà phân tích cho rằng bà Park Geun-hye vẫn là người mềm mỏng với Triều Tiên hơn so với người tiền nhiệm Lee Myung-bak. Bà không chủ trương đòi hỏi điều kiện trong việc viện trợ lương thực cho miền Bắc và vẫn tiếp tục tìm đường đối thoại với Triều Tiên theo cách mà bà gọi là “trustpolitik”, tức nền ngoại giao và chính trị đặt trên cơ sở sự thật. Nhưng cả Seoul và Washington đều khẳng định rằng bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào từ Triều Tiên sẽ bị trả đũa mạnh mẽ. Nhà nghiên cứu Park Young-ho thuộc Viện Quốc gia Hàn Quốc phát biểu trên báo USA Today cho rằng cách tiếp cận cơ bản của Mỹ và Hàn Quốc với Triều Tiên vẫn là chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Có điều, Bình Nhưỡng chỉ muốn “cà rốt”. Vì vậy, theo ông, sẽ khó có sự thay đổi nào về chính sách của Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc. Học giả Scott Snyder thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại Washington, cho rằng sẽ khó có kết quả tốt cho chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc về việc đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Bất chấp những lời mời gọi đối thoại từ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các bộ trưởng của Hàn Quốc, Triều Tiên vẫn bác bỏ vì Bình Nhưỡng không thể chấp nhận điều kiện đòi nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Theo ông Tong Kim, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, đơn giản vì các nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa nhận thấy lợi ích mà họ trông đợi.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục