Chỉ bố trí 414 căn hộ
Kể từ tháng 4-2015, lô R7 khu tái định (TĐC) Đức Khải bắt đầu đón những cư dân đầu tiên. Lúc đó, kế hoạch của quận 2 là trong một thời gian ngắn sẽ bố trí người dân vào ở đủ 741 căn hộ của tòa nhà.
Thế nhưng, một năm sau chúng tôi quay lại, chỉ có 252 căn hộ ở lô R7 có người ở. Còn nay, sau hơn 5 năm đi vào vận hành, chỉ bố trí được 414 căn hộ trên tổng số 741 căn hộ. Đã vậy, cư dân ở rải rác tại 5 block chung cư, làm khó cho quản lý vì phải thắp đèn sáng cho cả tòa nhà, vận hành thang máy, bố trí bảo vệ hay công nhân vệ sinh ở tất cả các khu vực có người ở.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích quận 2, đơn vị quản lý tòa nhà, tình hình thu - chi nguồn kinh phí vận hành tại chung cư này trong 6 tháng đầu năm nay bị lỗ trên 100 triệu đồng, trong đó phần thu chi tiền điện thể hiện rõ nhất do phải tốn nhiều chi phí để vận hành tòa nhà trống (thu 171 triệu đồng nhưng phải chi 471 triệu đồng).
Đây chỉ là khu duy nhất đưa vào vận hành, còn lại khoảng 25 block tòa nhà nối nhau thành dãy nằm phía sau bị bỏ trống, đó là các khu do liên danh Thuận Việt, liên danh Vietracimex xây dựng. Đường vào nội khu bị rào chắn, xung quanh có lập các chốt bảo vệ, có nhân viên bảo vệ túc trực canh gác; bên trong các khu công viên, tiểu cảnh cỏ mọc ngút ngàn, không có dấu hiệu chăm sóc của con người.
Một nhân viên bảo vệ khu Thuận Việt cho biết, có 21 bảo vệ trực ngày đêm, lương mỗi tháng 6,5 triệu đồng/người. Mới đây than thở với truyền thông, lãnh đạo Công ty Thuận Việt cho biết, 4 năm qua, duy trì cụm chung cư do mình xây dựng mất khoảng 700 triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân nhà TĐC Thủ Thiêm bỏ trống, tại đợt giám sát của Thường trực HĐND TPHCM hồi tháng 9 vừa qua, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, trước đây bồi thường không theo giá thị trường, nên lúc đó người dân sẽ phải chọn lấy nhà hoặc đất tái định cư. Còn sau này pháp luật thay đổi, bồi thường cho người dân phải di dời theo giá thị trường nên người dân thường chọn lấy tiền vì thấy có lợi hơn. Quỹ nhà TĐC vì thế mới dôi dư, nhà bỏ trống trở thành chuyện chẳng đặng đừng.
Thấy được vấn đề bất cập này, UBND TPHCM đã giao cho Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng TPHCM) quản lý tổng thể, lên dự toán quản lý vận hành, bảo trì, sau cùng là bán đấu giá quỹ nhà nêu trên. Chủ trương bán đấu giá bắt đầu từ năm 2016, bằng Văn bản 5948 của UBND thành phố; rồi đến tháng 5-2018, UBND thành phố tiếp tục cho bán đấu giá 5.022 căn hộ và 43 nền đất, nằm rải rác ở một số quận huyện khác, nhưng nhà ở Thủ Thiêm vẫn chiếm số lượng lớn với 3.790 căn thuộc khu 38,4ha phường Bình Khánh (tại các lô R1, R2, R3, R4, R5).
Việc bán đấu giá đã tổ chức 2 lần nhưng chưa thành công. Nguyên nhân là bán lô lớn, yêu cầu phải thanh toán số tiền lớn, nên không có nhà đầu tư nào đáp ứng được. UBND TPHCM đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN-MT) phối hợp với Trung tâm Đấu giá Sở Tư pháp thực hiện đấu giá.
Chờ xét duyệt giá
Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một cán bộ trong tổ chuẩn bị tổ chức đấu giá cho biết, hồi tháng 10 năm nay, Sở Tài chính TPHCM đã trình UBND TPHCM phương án đấu giá 3.790 căn hộ TĐC Thủ Thiêm chưa sử dụng, nhưng Hội đồng Thẩm định giá thành phố chưa thông qua. Theo phương án trình, căn cứ trên thực địa là hai cụm nhà khác nhau nên chia làm hai phần để bán đấu giá.
Cụm thứ nhất là 2.220 căn thuộc các lô R1, R2, R3, đơn vị thẩm định giá ước tính giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình là 7.977 tỷ đồng; cụm thứ hai là 1.570 căn thuộc các lô R4, R5, thẩm định giá 6.200 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng và giá trị quyền sử dụng đất. Tổng giá trị nhà, đất của 3.790 căn hộ là 14.100 tỷ đồng. Như vậy, có sự khác biệt so với 2 lần đưa ra đấu giá trước đây, lần này số căn hộ chia làm hai phần, giá bán tăng lên rất nhiều, tính trung bình trên 3,7 tỷ đồng/căn.
Dưới góc nhìn của nhà môi giới chuyên nghiệp, từng bán hàng cho rất nhiều dự án địa ốc tại TPHCM, ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, nhận xét, toàn bộ số căn hộ nằm trên đất vàng Thủ Thiêm nên không khó bán, vấn đề đặt ra là giải pháp thực hiện.
Đầu tiên, phải tổ chức họp báo công bố bán đấu giá và đăng tải rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng; tiếp theo xử lý điều cực kỳ quan trọng: phương thức thanh toán. Hiện nay, hầu hết chủ đầu tư đi mua lại dự án chỉ cần thanh toán 30% là được tiến hành tổ chức thi công, bán hàng; phần còn lại thanh toán nhiều đợt, kéo dài 2-3 năm, tức là dự án đưa vào vận hành mới thanh toán lần chót.
Do đó, giải pháp tài chính linh hoạt cho thanh toán dài hạn chắc chắn sẽ có nhà đầu tư tham gia. “Theo kinh nghiệm của tôi, nếu chia nhỏ số lượng căn hộ ra bán đấu giá sẽ dẫn đến thị trường bị loạn, vì cạnh tranh giẫm đạp lên nhau nên bán sẽ khó thành. Tốt nhất là bán cho một nhà đầu tư trọn gói, họ sẽ có chiến lược tiếp thị, bán hàng chuẩn hơn. Thực tế hiện nay, chúng tôi có tiếp nhận đơn đặt hàng của nhiều nhà đầu tư, sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng mua dự án nhưng phải mất nhiều năm sau mới có sản phẩm bán ra thị trường. Do đó, nếu thành phố có giải pháp linh hoạt, tôi tin chắc việc bán đấu giá sẽ thành công”, ông Đoàn Chí Thanh chia sẻ.