- PHÓNG VIÊN: Cao Nguyệt Nguyên vốn là cái tên được biết đến với nhiều truyện ngắn có thế giới nội tâm nhân vật sâu sắc. Lý do nào khiến chị bước qua lĩnh vực văn học thiếu nhi?
Nhà văn CAO NGUYỆT NGUYÊN: Viết cho thiếu nhi luôn là một đề tài thú vị và có sức lôi cuốn với nhiều người. Nó giống như nhu cầu nội tại vậy, vì trong mỗi chúng ta luôn có sẵn một thế giới tuổi thơ trong trẻo và đầy ắp tiếng cười, chỉ là bạn có muốn giới thiệu thế giới ấy với mọi người, mời các bạn nhỏ khác cùng bước vào. Tất nhiên với mỗi người, thời khắc ấy cần có sự đặc biệt nào đó thôi thúc.
Tôi viết cho thiếu nhi vì tôi thấy đó là khoảnh khắc tâm hồn mình trong trẻo nhất và nhẹ nhàng nhất. Khi cầm bút, tôi luôn thấy mình - một cô bé nít ranh viết chứ không phải tôi, với nhiều nếp nhăn, chai sạn bây giờ.
- Truyện Kiều tự kể - tác phẩm được coi là điểm nhấn gần đây trong văn học thiếu nhi, có gây khó cho chị không khi phải đóng vai rất nhiều nhân vật với nhiều cá tính khác nhau?
Khó chứ, nhưng mà thú vị nhiều hơn. Nó giống như một cú nhảy đầy mạo hiểm mà cũng vô vàn niềm vui. Tôi đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết cho cuốn sách này. Hóa thân vào nhân vật chưa bao giờ là dễ, hơn nữa lại là 12 nhân vật, 12 tính cách khác nhau, nhưng tôi luôn nghĩ đó là những trải nghiệm tuyệt vời và là một cơ hội đối với người viết. Tôi mất hàng tuần để đắm đuối với một nhân vật và sau đó khi sang một nhân vật khác, tôi cũng mất một khoảng thời gian để xả vai. Tôi nghĩ, không vội được khi hóa thân vào nhân vật. Như khi làm quen một ai đó, ta phải dành thời gian để hiểu họ, lắng nghe họ. Khi hóa thân vào nhân vật cũng vậy, họ giống như những người bạn đặc biệt.
- Kể lại Truyện Kiều theo phong cách của mình, hẳn Cao Nguyệt Nguyên là cây bút “lì lợm”?
Tôi cũng không “lì lợm” đâu, nhưng thích thể nghiệm những điều mới mẻ, thử thách bản thân và thử thách ngòi bút của mình. Dựa trên chất liệu nền tảng của cụ Nguyễn Du để lại cho mai sau, tôi muốn kể lại Truyện Kiều bằng cái nhìn và ngôn ngữ của thế hệ 9X. Tuổi trẻ không có gì ngoài nhiệt huyết và sáng tạo, vậy nên tại sao không thử nghiệm một lần?
- Là tác giả 9X duy nhất có mặt trong sách giáo khoa lớp 2 bộ mới (bộ sách Chân trời sáng tạo), chị có thể chia sẻ những thú vị phía sau trang văn sách giáo khoa?
Tôi nhớ là khi nhận được lời mời tham gia viết bài là thời điểm tôi mang bầu được 6 tháng. Lúc đầu, tôi nghĩ viết cho các bé thì đáng yêu và chắc là cũng dễ thôi. Nhưng không, thực sự là không dễ. 200 chữ mà tôi phải sửa tới sửa lui tới hàng chục lần. Từng câu từng chữ phải sửa sao cho thật chuẩn chỉnh, mà vẫn giữ được sự trong sáng, thú vị và tình cảm. Khi được cầm cuốn sách trên tay, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
- Thế giới tuổi thơ hiện gắn nhiều với công nghệ số. Điều này có là thử thách đối với nhà văn viết cho thiếu nhi khi muốn xây dựng thế giới tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên cho trẻ?
Thực sự bây giờ mà kể chuyện đồng quê, miền núi với các bé ở thành phố có vẻ là một thử thách. Vì ngoài sự khác lạ, cũng có xa lạ nữa. Nhiều điều các bé chưa trải nghiệm, chưa nhìn thấy thì các bé có hào hứng đọc không? Đó là câu hỏi mà mỗi lần cầm bút, tôi thường tự hỏi. Bây giờ, các bé quen với vi tính, robot, đồ chơi điện tử…, khi bạn mời bé bước vào thế giới tuổi thơ hồn nhiên cây cỏ ngày xưa, liệu bé có muốn bước vào? Tôi nghĩ, muốn xây dựng được thế giới tâm hồn trong trẻo cho các bé thì đầu tiên phải nắm được tâm lý của các bé. Hòa nhập với cuộc sống hiện tại của các bé và từng bước đưa bé bước vào thế giới tuổi thơ hồn nhiên.
- Theo chị, nhà văn hiện đại viết cho thiếu nhi cần những yếu tố gì?
Nhà văn hiện đại viết cho thiếu nhi thì cần hiện đại đầu tiên. Tức là viết những điều mới mẻ, ngòi bút phải mới mẻ, trong trẻo. Tôi thấy nhiều cuốn sách viết về thiếu nhi với cái nhìn già dặn quá và mang tính áp đặt thì chán lắm. Hãy là người bạn của các bé, cùng bé chơi và cùng bé lấm lem bùn đất cũng được.