Nhà văn Lê Văn Thảo, sống mãi với bạn đọc

Sáng 21-3, tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM, đã diễn ra buổi ra mắt tập tiểu luận, phê bình Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp do Hội Nhà văn TP thực hiện (NXB Hội Nhà văn xuất bản).

Sáng 21-3, tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM, đã diễn ra buổi ra mắt tập tiểu luận, phê bình Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp do Hội Nhà văn TP thực hiện (NXB Hội Nhà văn xuất bản).

Gần gũi, sâu sắc và trầm lắng

Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhớ lại: “Lâu lắm rồi, tôi cứ gọi Lê Văn Thảo là Ông cá Hô (tên một tác phẩm của Lê Văn Thảo). Ông cá Hô viết văn, không bao giờ làm văn. Anh không bao giờ quá nghiêm trọng việc gì, kể cả viết văn. Ở bất cứ cương vị nào, bất kỳ cuộc to nhỏ nào, anh cũng bình thường không chút lo lắng hay lên gân tranh cãi, cao đàm khoát luận. Anh bảo, nhà văn bình thường thôi! Sống bình thường, viết bình thường, không dạy dỗ được ai và giáo huấn được cho ai”.

Gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của nhà văn Lê Văn Thảo trong buổi ra mắt sách

Có lẽ cũng chính vì cái chất “bình thường”, không nặng nề lên gân đó, nên đọng lại trong tâm trí người thân, bạn bè, đồng nghiệp và nhất là với những bạn đọc yêu mến văn Lê Văn Thảo luôn là hình bóng một con người giản dị, dễ gần. Nhà văn Trần Nhã Thụy nhớ lại những ngày đầu từ vùng quê lên TP mưu sinh, giữa chật vật kiếm sống và những mơ mộng tuổi trẻ, anh tự nhận mình đã may mắn gặp nhiều người tốt, trong đó có nhà văn Lê Văn Thảo, khi đó là Phó Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ TPHCM. Không dạy dỗ về nghề viết, không giáo điều về cuộc sống, cái mà một cây bút trẻ mới chập chững vào nghề học được ở ông là cách sống, cách đối diện với những vấn đề của cuộc đời “như một người đàn ông thực thụ”, điều mà bây giờ chẳng thấy ai dạy.

Hình ảnh giản dị, thân thuộc đó của nhà văn Lê Văn Thảo không chỉ khắc họa ở tâm trí một cá nhân cụ thể nào, nó được thể hiện ở mọi người từng tiếp xúc với ông. Đó là người đồng đội, họa sĩ Trang Phượng, người mà “gặp nhau trên chiến trường nhiều hơn ở cơ quan”, đó là cây bút nữ Trầm Hương “luôn nhớ về chú, một bậc tiền bối gần gũi, luôn khuyến khích những cây bút trẻ phải viết, đừng lo sợ đánh giá của xung quanh”. Hay cũng có khi là câu chuyện của nhà văn Trần Quốc Toàn về sự tôn trọng của một nhà văn giữ cương vị lãnh đạo đối với một tác giả còn chưa mấy tên tuổi. Ấn tượng về ông luôn là một trí thức viết văn, một con người giản dị, bình dân và gần gũi, bất kể ông đang ở vai trò nào, nhà văn hay người quản lý văn hóa.

Văn chương lớn lao từ những điều nhỏ bé

Dù chính nhà văn Lê Văn Thảo đã tự nhận xét là “nhà văn bình thường thôi” nhưng với giới phê bình, ông lại là một tác giả điển hình của văn chương Nam bộ. PGS-TS Võ Văn Nhơn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), một chuyên gia về văn học Nam bộ, khẳng định, nhà văn Lê Văn Thảo là người kế thừa xuất sắc truyền thống văn chương Nam bộ. Đó là chất ngôn ngữ xuất phát từ đời thường, gần gũi với đời thường, dễ đọc nhưng lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Văn của nhà văn Lê Văn Thảo có thể chia thành hai thời kỳ, chiến tranh và đổi mới. Với thời chiến, như đánh giá của nhà phê bình Nguyễn Thị Phương Thúy, văn ông đa dạng và phong phú, ông viết về người lính, về người mẹ, người vợ, người con… từ chiến khu, bưng biền bát ngát, đến những ngóc ngách của đô thành Sài Gòn trong những trận đánh lớn. Văn ông ngôn từ đơn giản nhưng hình ảnh lại sống động, bởi chúng được chưng cất từ chính trải nghiệm của ông. Ông từng phải chôn cất em gái sau trận bom, tự tay khâm liệm những người đồng đội như nghệ sĩ Trần Hữu Trang, Lê Anh Xuân… Tất cả những tích lũy đó được ông nung nấu, viết lên Một ngày và một đời. Điểm chung của giai đoạn này là dù đau thương, mất mát nhưng ở mỗi tác phẩm đều chứa đựng một niềm tin không gì lung lay được.

Tiến sĩ Trần Hoài Anh cho rằng, nhà văn Lê Văn Thảo hiền lành, nhẹ nhàng nhưng thâm trầm và sâu sắc. Những tác phẩm của ông sau này hàm chứa những câu chuyện nhẹ nhàng, đó là cả một cõi nhân sinh lớn, cõi nhân sinh của thời kỳ đổi mới, nơi con người phải đối diện với những điều không còn như trước. Vì vậy, đến với văn chương của ông, ai cũng cảm thấy cuộc đời mình trong đó.

Nhà báo Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, kể về những kỷ niệm với ông, một người rất dân dã và dí dỏm trong sinh hoạt hàng ngày, thế nhưng, khi bước vào công việc, ông lại là người vô cùng nghiêm túc, trách nhiệm. Nhiều lần đảm đương vai trò chủ tịch hội đồng giám khảo các cuộc thi viết phóng sự - ký sự nhân các dịp kỷ niệm lớn của đất nước do Báo SGGP tổ chức, bao giờ ông cũng làm hết sức mình, giải thưởng không bao giờ bị điều tiếng, tranh cãi. Không những thế, ông còn được xem là một người luôn ủng hộ, dìu dắt các nhà văn trẻ. Trong cuộc thi viết cũng do Báo SGGP tổ chức, một cây bút còn khá trẻ đã cùng đoạt giải cao nhất với một nhà văn lão thành nổi tiếng. Có ý kiến cho rằng, như thế e không phù hợp, nhà văn Lê Văn Thảo đã cương quyết bảo vệ quan điểm của mình: giải không quy định tuổi mà chỉ quy định tác phẩm xứng đáng. Cuối cùng, giải đã được trao cho cả hai tác giả ở hai thế hệ khác nhau và được đánh giá cao về chất lượng, không có bất cứ điều tiếng nào sau đó.

 Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp là tập tiểu luận

Nhà văn Lê Văn Thảo, sống mãi với bạn đọc ảnh 2

phê bình do nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM chủ biên. Tác phẩm được chia làm hai phần. Phần một là "Những bài viết về nhà văn Lê Văn Thảo sinh thời", tập hợp 17 bài viết của các nhà phê bình, nhà báo, nhà văn, bạn bè… viết về nhà văn Lê Văn Thảo. Phần hai gồm các bài viết "Tưởng nhớ nhà văn Lê Văn Thảo" của người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu văn.

TƯỜNG VY

Nhà văn Lê Văn Thảo, sống mãi với bạn đọc ảnh 3

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục