Nguyễn Đình Tú là một nhà văn quân đội khá thành công với những tác phẩm đề cập đời sống đương đại. Vừa qua, tác giả liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm mới.
Chiều 10-4, buổi ra mắt giới thiệu cuốn tiểu thuyết mới mang tên Hoang tâm của nhà văn Nguyễn Đình Tú (ảnh) đã diễn ra tại Thư viện Hà Nội. Rất đông các nhà văn, nhà phê bình cùng độc giả đã đến tham dự và gửi lời chúc mừng cuốn tiểu thuyết thứ 6 với nhà văn quân đội này.
Nguyễn Đình Tú đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi về diện mạo của đời sống văn học hiện nay thông qua tác phẩm của anh…
* Anh lại mang một câu chuyện với những điều mới mẻ gì đến với độc giả qua cuốn tiểu thuyết này?
* Nhà văn NGUYỄN ĐÌNH TÚ: Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng câu chuyện của một nhân vật được gọi bằng “Anh” tìm đến khu du lịch Cửa Núi ở huyện Nguyên Thủy xa xôi. Tại đây Anh gặp một cô gái được tạm đặt bằng cái tên “Son Phấn”. Hai người thực hiện một cuộc hành trình bí ẩn và kỳ thú. Họ đã lọt qua trận đồ đá để bước vào hẻm núi của tộc người Mã, những hậu duệ của một binh đoàn thất trận năm xưa với những ngôi làng đá rùng rợn và ám ảnh. Rồi họ lại vượt qua một trảng cỏ tranh với sự truy đuổi của trăn hoa và cọp xám để lạc vào vùng đất của tộc người Khi, một tộc người có lịch sử ra đời gắn liền với truyền thuyết ăn não người của bậc đế vương, chứng kiến một lễ hội dâng óc kinh hoàng tại dinh thự ẩn sâu trong lòng đất. Cuộc hành trình lại tiếp tục đưa họ đến với tộc người Mụ với vô vàn những tập tục kỳ lạ để cuối cùng cả hai bước vào một biệt điện nguy nga dành cho nữ tộc trưởng hoang dâm và quyền lực. Nếu việc thám hiểm Cửa Núi là chiều dọc của cuốn tiếu thuyết thì ở chiều ngang của nó là ngồn ngộn những chi tiết hãi hùng gợi lại cuộc chiến của đất nước K đắm chìm trong nạn diệt chủng, là những cật vấn về cái chết và sự sống, là tình yêu và những khúc hoan ca xác thịt kêu gọi mầm dục thiêng liêng, là sự kiệt quệ của thể xác chứa những rối bời nhân tính trước dòng thác xói mòn tâm hồn cùng sự vươn lên và đứng vững.
| |
* Các nhân vật chính mang tính biểu tượng, rất khác với những kiểu nhân vật mà anh từng xây dựng ở những cuốn tiểu thuyết trước. Liệu đây có phải là sự đổi mới trong bút pháp của nhà văn?
* Hai nhân vật tôi chọn trong cuốn tiểu thuyết lần này chính là hai nhân vật vừa thực vừa không thực. Đứng trước áp lực của sự thay đổi khi năm cuốn tiểu thuyết trước, các nhân vật của tôi đều là nhân vật hiện thực thì ở cuốn thứ sáu, tôi muốn sử dụng loại nhân vật biểu tượng, mã hóa. Nhân vật “Anh” và “Son phấn” có thể là bất cứ người đàn ông, phụ nữ nào trong cuộc sống này, họ không hoàn toàn là những con người cụ thể. Văn học đôi khi cũng cần làm cho người ta suy tưởng và thăng hoa.
* Không ít độc giả đã bị cuốn hút do có sự kết hợp cùng lúc giọng văn truyền thống, cách dẫn chuyện hiện đại, cốt truyện hiện thực huyền ảo, nhịp và ngữ hiện đại, đây có phải ý đồ nghệ thuật của cuốn sách mà anh muốn hướng tới?
* Sau mỗi cuốn tiểu thuyết, tôi luôn suy ngẫm, tìm tòi để viết sâu và hay hơn cuốn trước, đậm chất văn học hiện thực hơn. Cho đến Hoang tâm, tôi mới thấy điều này ở sáng tác của mình. Cái sâu ở đây có thể thấy là thay vì đứng nhìn từ bên ngoài sự việc, tôi bắt đầu đi vào bên trong nhân vật, để thấy rõ hơn những chuyển dịch tinh thần lẫn tâm hồn. Và yếu tố huyền hoặc tâm linh mang chiều kích phác họa một thế giới nội tâm cũng được đẩy mạnh hơn, thay vì chỉ để biện minh cho một vấn đề nào đó. Hoang tâm lôi kéo người đọc bằng hàng loạt tiểu tiết mộng, ảo, kỳ bí, dựa trên những huyền sử về một vài tộc người đã từng tồn tại, và rồi đã dần mất tích trên mặt đất. Để rồi lại dựng người ta tỉnh lại bằng hiện thực, một góc hiện thực quá hiếm hoi trong văn học Việt: chiến trường K.
* Có thể nói các nhà văn trẻ quân đội hiện nay hầu hết đều chưa trải qua chiến tranh, thiếu vốn sống. Anh có gặp những trở ngại gì khi viết về chiến tranh không?
* Không gian lịch sử của Hoang tâm xoay quanh một cuộc chiến có tên là K mà nhiều người cho đó là chiến tranh biên giới Tây Nam. Người lính lúc nào cũng phải tập trung mọi giác quan, ánh mắt thì hừng hực cháy, trái tim nóng rẫy và tay thì nắm chắc lấy súng. Nếu kẻ thù không chết thì nghĩa là mình gục ngã, không có bất cứ sự khoan nhượng nào giữa lửa đạn.
Trở ngại lớn nhất của nhà văn là làm sao viết cho hay. Vốn sống quan trọng nhưng không phải là cái quyết định làm nên nhà văn. Khả năng hư cấu và trí tưởng tượng sẽ giải quyết được vấn đề đã trải qua hay chưa trải qua một hiện thực cụ thể nào đó, và đó là thứ lao động đặc thù của người viết tiểu thuyết.
* Xin cảm ơn nhà văn cuộc trò chuyện này và hy vọng các tác phẩm của anh là món quà đặc biệt cho kỳ nghỉ lễ gần đây của độc giả.
PHẠM XUÂN TRƯỜNG