Nhà văn Nguyễn Quang Sáng “Chết là về với quê hương…”

Theo thông báo của gia đình, giờ bắt đầu lễ viếng là 10 giờ sáng nhưng trước đó, nhiều bạn văn, người yêu mến nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã có mặt tại Nhà tang lễ TPHCM để đưa tiễn ông về cõi vĩnh hằng.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng “Chết là về với quê hương…”

Theo thông báo của gia đình, giờ bắt đầu lễ viếng là 10 giờ sáng nhưng trước đó, nhiều bạn văn, người yêu mến nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã có mặt tại Nhà tang lễ TPHCM để đưa tiễn ông về cõi vĩnh hằng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tại lễ tang Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tại lễ tang Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

        “Sáng ơi!”

"... Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi xa mãi mãi nhưng những tác phẩm văn học kết tinh tim óc, tuổi thanh xuân, cuộc đời chiến đấu hào hùng, lao động miệt mài, giàu sáng tạo của anh mãi mãi sống với Nhân dân, với Dân tộc, với Cuộc sống; những tác phẩm thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, khắc họa cuộc sống, chiến đấu oanh liệt của Nhân Dân ở vùng Đất lửa, trên Cánh đồng hoang, giữa Mùa gió chướng; những tác phẩm thật bình dị, chân thật, đầy nghĩa khí như đất và người Nam bộ; mãi mãi là hành trang văn hóa, tinh thần cho các thế hệ hôm nay và mai sau..."

NGUYỄN VĂN ĐUA
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM

Đạo diễn Lê Dân đã mở đầu bằng hai từ như thế, lời sổ tang mà như lời tâm sự gửi đến một người bạn vẫn đang còn đâu đây. Và như những người bạn già khác, họ nhớ đến nhau bằng những kỷ niệm, với đạo diễn Lê Dân đó là kỷ niệm những ngày làm phim từ kịch bản của nhà văn.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM thì nhắc lại trong nước mắt: “Anh Sáng ơi, nhớ ngày nào cùng với anh đi chọn cảnh thực hiện bộ phim “Thời thơ ấu”. Bao nhiêu kinh nghiệm của anh đã là những hành trang cho đàn em vô cùng thâm thúy và chân tình”.

Nhà báo Kim Hạnh thì nhắc đến câu chuyện ngày đó cùng một số bạn văn khác ngồi dưới gốc cây trôm ở 81 Trần Quốc Thảo nghe anh đọc bản thảo “Cánh đồng hoang”. Và cũng dưới góc độ một người bạn, người em, qua anh chị gửi lời thăm đến những người bạn, người anh khác như Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp… những người đã ra đi trước anh. Lời nhắn gửi khiến cảm giác mất mát như vơi đi với gia đình, người thân, với những người bạn khác, cứ như Nguyễn Quang Sáng chỉ đang đi một chuyến du lịch.

NSND Đoàn Dũng gửi đến người anh, người bạn Nguyễn Quang Sáng những dòng thơ đầy xúc cảm: “Sống là khách qua đường/Chết là về với quê hương…”.

        Một nhà văn lỗi lạc ra đi

Nếu những người bạn nhắc nhiều đến kỷ niệm thì những người đồng nghiệp, những người quen biết Nguyễn Quang Sáng lại nhắc đến ông như một trong những nhà văn hàng đầu Việt Nam trong dòng văn học chiến tranh cách mạng. Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên cảm thán: “Những tác phẩm văn học của anh đã phản ánh cả một chặng đường lớn lao, gian khó và vinh quang của nhân dân ta… Những trang văn, những bộ phim (mà anh là biên kịch) sẽ sống mãi trong lòng mọi người”.

NSƯT Trần Minh Ngọc thì nghẹn ngào: “Anh Sáng! anh đã ra đi rất đột ngột và bất ngờ với người làm sân khấu. Anh đã là một trong những cột mốc đánh dấu một thời đại mà chúng tôi đã từng đọc, từng xem và từng diễn những tác phẩm mà anh đã sáng tác…”.

Huỳnh Văn Mỹ, thân phụ của đạo diễn Huỳnh Phúc Điền nhận xét: “…Anh dù đi xa, anh vẫn còn để lại cho quê hương Việt Nam mình những đứa con tinh thần đầy tình người, với tinh thần chiến đấu kiên cường, với tình yêu sâu lắng trong từng tác phẩm của anh. Anh dù đã đi xa, vẫn còn để lại cho quê hương Việt Nam những đứa con bằng xương bằng thịt. Các cháu tiếp nối sự nghiệp anh, đi tiếp con đường nghệ thuật, đóng góp thành quả tốt tươi cho nghệ thuật Việt Nam…”.

“…Một tài năng, một nhà văn lỗi lạc của Việt Nam. Những tác phẩm anh viết mang đậm tính dân tộc - chất Nam bộ anh hùng và trung hậu…” là những gì NSND Trà Giang nhớ đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Còn đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM thì nhấn mạnh: “Luôn ngưỡng mộ và biết ơn nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Một con người tài hoa - đậm chất Nam bộ”.

        Cảm ơn bác Sáng

Cháu nội nhà văn Nguyễn Tuân, một trong những người được nhà văn Nguyễn Quang Sáng dìu dắt thời mới vào nghiệp văn đã bộc bạch: “Bác Sáng ơi! Chúng con lớn lên khi đất nước đã hòa bình, chỉ còn biết tới chiến tranh qua những áng văn thơ. Nhờ bác, nhờ biết bao những con người cầm bút anh dũng khác, thế hệ chúng con mới có những hình ảnh đẹp, hào hùng, dung dị về đất nước…”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, con gái của đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch gửi tới nhà văn những dòng cảm xúc: “Những trang văn, trang đời mà chú cống hiến cho cuộc sống, cho đất nước sẽ còn mãi với thời gian”.

Nghệ sĩ Hồng Vân gửi đến nhà văn một lời cám ơn đầy tha thiết: “…Chúng con cám ơn về tất cả những gì chú đã tặng cho nền văn hóa nghệ thuật của đất nước Việt Nam và mãi là tấm gương để chúng con noi theo và học tập”.

TƯỜNG VY

Dòng sông ấy vẫn chảy

Chiều 13-2-2014, chúng tôi đang chuẩn bị công đoạn cuối cho Chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 tại TPHCM thì được tin nhà văn Nguyễn Quang Sáng đột ngột qua đời và tin ấy nhanh chóng lan ra trong giới văn nghệ và toàn xã hội. Đúng là gần đây, sức khỏe anh có giảm sút, nhưng khi anh còn “lai rai chút đỉnh” thì không ai nghĩ anh lại ra đi sớm thế. Với giới viết văn hiện nay, anh đã được coi là đại thụ. Bởi tuổi anh đã vượt bát tuần (anh sinh năm 1932), nhưng quan trọng hơn, thương tiếc anh, bởi anh là một tâm hồn đa dạng và phong phú, một nhà văn tài năng lớn, với hơn 60 năm cầm bút đã có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, trong đó nhiều tác phẩm xuất sắc ghi dấu ấn sâu đậm trong nhiều thế hệ bạn đọc. Anh từng được nhiều giải thưởng lớn về văn học, điện ảnh của các cơ quan chuyên ngành, nhưng cao nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Huân chương Độc Lập hạng nhì, là sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và công chúng với sự nghiệp cách mạng và lao động sáng tạo của anh.

Anh tham gia cách mạng khá sớm. Kháng chiến bùng nổ, anh xung phong vào bộ đội, làm liên lạc khi đang còn tuổi thiếu niên và gắn bó với cuộc chiến đấu của dân tộc, của miền Nam khói lửa, để từ đó, anh có nhiều tác phẩm phản ánh sinh động chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong kháng chiến. Nguyễn Quang Sáng là một tài năng văn học. Bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao tài năng sáng tạo của anh. Với sự quan sát nhạy bén, tinh tế, anh luôn luôn khám phá và chọn lựa được các ý tưởng, chi tiết đặc sắc, khái quát thành truyện, với một bố cục giàu kịch tính, với ý tưởng sâu, với thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh và độc đáo của riêng mình, để làm nên tác phẩm với phong cách riêng không trộn lẫn với bất kỳ ai. Vì vậy, truyện ngắn, tiểu thuyết của anh bao giờ cũng có sức hấp dẫn, lay động sâu xa tâm hồn người đọc. Cuộc đời lao động của anh rất đáng nể trọng, bao giờ anh cũng nghĩ ngợi, nuôi cảm xúc và viết. Vài tháng gần đây, sức anh có phần suy giảm, ăn ít uống ít đi, nhưng trước Tết Nguyên đán cùng anh đi dự tiệc tất niên nơi một người bạn, anh khoe đã hoàn thành hơn 30 tập kịch bản phim về Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, và đang bắt tay viết về các cây cầu của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long mà anh đã nhiều năm sưu tra, nghiền ngẫm.

Những ý tưởng nghề nghiệp của anh cũng nằm trong mạch tư duy ấy, cho nên, khi bàn về nghề, hay những trang viết chân dung bạn bè thân thiết của anh như các nhà thơ Lê Giang, Nguyễn Duy; các nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Trịnh Công Sơn… đều đem đến những cảm nhận rất thú vị. Với lối quan sát tinh tế và cụ thể, với suy nghĩ mới lạ, độc đáo, bao giờ anh cũng lẩy ra đúng cái tính cách của nhân vật để tạo nên một khác biệt. Hết sức cô đọng mà đặc sắc, đó là cái riêng của ngòi bút anh.

Là người giao thiệp rộng, chân chất, cởi mở, thẳng thắn, phóng khoáng, anh được bạn bè thương yêu. Nhiều thế hệ các nhà văn TPHCM thường nhắc đến Năm Sáng với một tấm lòng quý trọng và yêu mến. Bạn bè quốc tế cũng rất quý mến anh. Trong cuộc gặp các nhà văn cựu binh Mỹ mới đây tại Hội Nhà văn TPHCM, nhà văn Kevin Powell, nguyên Giám đốc Trung tâm William Joiner, đã xúc động nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc và đầy yêu mến của các bạn nhà văn Hoa Kỳ đối với Nguyễn Quang Sáng và nói được gặp Sáng lần này là điều mãn nguyện trong chuyến đi này.

Trong đời sống thường ngày của mình, anh ăn uống đạm bạc nhưng lại mê rượu Chivas và âm nhạc. Khi vui chuyện anh tâm sự, khi viết thiếu hứng, anh thường mở nhạc nghe. Và trong tiếng nhạc, nhất là khi nhắm mắt, anh như nghe thấy tiếng dòng sông tuổi thơ chảy trong tâm khảm và thế là chữ nghĩa lại về với ngòi bút. Tối qua, trong giờ phút khâm liệm vĩnh biệt anh, nhìn đôi mắt khép hờ của anh như người đang ngủ, tôi thoáng nghĩ, có lẽ Nguyễn Quang Sáng đang trở về với một nhánh sông Cửu Long chảy qua An Giang thân yêu của anh, con sông chuyên chở phù sa đắp bồi cho cuộc sống và tình yêu con người, để tâm hồn anh, tác phẩm của anh làm nên vinh quang cho quê hương, đất nước.

LÊ QUANG TRANG
Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM

>> Nguyễn Quang Sáng - nhà văn như một huyền thoại

Tin cùng chuyên mục