“Bàn chân không đạp đất/Vút đạp lên mây trời/Chân trời bừng đỏ dựng/Hát lên bạn đời ơi!” là bài thơ nhà văn Thanh Giang viết trên đường hành quân về Nam, đầy nhiệt huyết mà vẫn thư thái như tính cách của ông. Cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Thanh Giang gắn liền với 26 năm trong quân đội và có đến 61 năm cầm bút. Anh em bạn bè biết đến ông là một cán bộ khiêm nhường và tận tụy, một đồng nghiệp chia sẻ và tin cậy, một nhà văn sâu sắc và cởi mở.
Nhà văn Thanh Giang tên thật Lê Mai Sơn, sinh năm 1930, quê ở Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Thấm đẫm tinh thần yêu nước và thượng võ ở một vùng đất giàu truyền thống nhân văn, vừa lớn lên, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, anh thanh niên Lê Mai Sơn đã tự nguyện tham gia. 17 tuổi ông đã làm công tác chính quyền cách mạng tại xã Tân Thành Bình.
Nhà văn Thanh Giang (phải) và nhà văn Lê Văn Thảo tại cuộc thi ký văn học Chân dung Người đương thời do Báo SGGP tổ chức. Ảnh: AN DUNG
Năm 1954, Lê Mai Sơn nhập ngũ rồi tập kết ra Bắc trong đội hình Sư đoàn bộ binh 330. Thời gian này ông được học tập, bồi dưỡng các lớp học tuyên huấn và sáng tác văn học do Sư đoàn 330 và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức. Vốn có sẵn tình yêu thơ ca từ vùng đất lan truyền câu thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, Lê Mai Sơn bắt đầu cầm bút.
Với vốn kiến thức và trình độ được quân đội trang bị, cộng với nhiệt huyết khao khát được trở về miền Nam chiến đấu, giải phóng quê hương, tháng 12-1961, Lê Mai Sơn lên đường vượt Trường Sơn trở về miền Nam. Là một sĩ quan quân đội, lại có trình độ và năng khiếu sáng tác văn học, ông được biên chế vào cơ quan Bộ Chỉ huy miền, với chức vụ trợ lý văn nghệ, thuộc Cục Chính trị Quân giải phóng miền (B2). Từ đây, Lê Mai Sơn chính thức tham gia quản lý, lãnh đạo và xuất bản tờ tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng, một nhánh của tạp chí Văn nghệ Quân đội ở miền Nam. Và cũng từ đây, nhà văn với bút danh Thanh Giang xuất hiện đều đặn trên trang văn, trang báo kháng chiến.
15 năm lăn lộn chiến trường ác liệt, ông vừa viết văn phục vụ kháng chiến, vừa làm công tác tổ chức xuất bản và bồi dưỡng đội ngũ các cây bút cho chiến trường tại chiến trường. Cùng với các nhà văn đàn anh như Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), Nguyễn Trọng Oánh (Nguyễn Thành Vân), Nam Hà…, Thanh Giang là một trong nhưng cây bút chủ lực của quân giải phóng thời bấy giờ. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông tiếp tục làm việc tại Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu, rồi về phụ trách công tác bồi dưỡng sáng tác văn học Hội Nhà văn TPHCM.
Tin ông mất bất ngờ với bạn bè và đồng nghiệp. Những ngày qua, đến viếng ông có không ít những nhà văn, nhà thơ nay đã thành danh, từng được ông hướng dẫn chỉ bảo, rèn cặp trong nhiều hoàn cảnh trên con đường sáng tạo văn chương đầy cam go, cô đơn và lao tâm khổ tứ. Lớp nhà văn cách đây gần 50 năm có mặt tại đây để tưởng nhớ Thanh Giang, người anh luôn nhã nhặn, ân cần với lớp đàn em không chỉ trong viết lách mà từ trong miếng ăn, giấc ngủ; không chỉ kiên cường chiến đấu mà từ phong thái ứng xử với bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí đồng bào… Vùng rừng Sóc Măng Cải, Lộc Ninh mãi mãi còn ghi đậm dấu ấn nghĩa tình trong cuộc đời và trang viết của họ, gắn liền với tên ông.
Lớp nhà văn được ông chỉ bảo và giúp đỡ từ khóa 1 và 2; lớp bồi dưỡng viết văn từ sau ngày giải phóng, cũng đến với anh. Từ lớp bồi dưỡng này, nhiều nhà văn, nhà thơ đã thành danh ở TP, nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Chắc chắn họ còn ghi đậm hình bóng ông, nhân cách của ông.
| |
Nhà văn HOÀNG ĐÌNH QUANG