Nhà văn trẻ về đất thép Củ Chi

Nhà văn trẻ về đất thép Củ Chi

Vừa qua, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác về nguồn nơi đất thép Củ Chi dành cho các nhà văn trẻ. Tại đây, những người viết trẻ được nghe và suy ngẫm từ bài học quý của lớp nhà văn, nhà thơ từng gắn tuổi xuân bên hầm bí mật khu căn cứ văn nghệ Củ Chi thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đoàn nhà văn TPHCM tại khu căn cứ văn nghệ thời kháng chiến ở Củ Chi.

Đoàn nhà văn TPHCM tại khu căn cứ văn nghệ thời kháng chiến ở Củ Chi.

Đoàn gồm 50 người, trong đó nhóm bạn văn chương trẻ khoảng 30 người. Đầu tiên, đoàn đến UBND xã An Phú tại ấp Xóm Thuốc, tỉnh lộ 15. Phía sau ủy ban là khoảnh đất rộng với những hàng cây cao su cao, thẳng, rợp bóng, véo von tiếng chim ca trong nắng vàng thơm.

Hồi kháng chiến, nơi đây là khu căn cứ văn nghệ. Hố bom còn đó, thời gian còn hằn ghi. Và rồi các nhà văn trẻ đứng xoay vòng tròn xung quanh dưới bóng râm nghe thế hệ những nhà văn, nhà thơ, nhà báo lão thành trải lòng như đang sống lại không khí của những năm tháng đánh Mỹ đầy cam go nhưng quyết thắng với tinh thần đoàn kết, cháy bỏng với văn chương, với cách mạng. Đó là nhà văn Vũ Hạnh, nhà thơ Hoài Vũ, nhà văn Thạch Cương, nhà văn Lê Điệp, nhà nghiên cứu Phan An, nhà thơ Trần Thị Thắng, nhà thơ Lam Giang…

Sau lời giới thiệu của nhà thơ Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội, nhà văn Thạch Cương bồi hồi kể lại những mốc tích nơi mà năm tháng tuổi trẻ ngày ấy rừng rực lửa nhiệt tình cách mạng.

Ông nói: Có thể ví nơi đây (ấp Xóm Thuốc, xã An Phú) là Pắc Bó văn nghệ thành phố mang tên Bác! Nơi đây đã từng có những nhà văn, nhà thơ Trần Bạch Đằng, Viễn Phương, Trang Thế Hy, Nguyễn Trọng Oánh, Đồng Tháp, Khả Minh hoạt động cách mạng qua công tác văn nghệ.

Có lần, anh Tư Ánh, tức đồng chí Trần Bạch Đằng đã nói rằng “Mình phải bắn Mỹ chứ có gì phải sợ”. Lời nói đanh gọn ấy làm háo hức biết bao, ai cũng nôn nao mong ngọn cờ độc lập giương cao, rợp bóng trải khắp từ Bắc chí Nam...

Lần lượt các chú, các bác kể lại những tháng ngày không thể nào quên, không bao giờ cũ ấy. Tán cây lao xao chim hót, lốm đốm bóng nắng như soi rọi cho bút lực mạnh thêm và khơi gợi mạch ngầm suy tưởng ở các bạn văn trẻ.

Đoàn nhà văn TPHCM tiếp tục lên đường về thăm mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Sen (sinh năm 1928) tại nhà tình nghĩa số 111A đường Nguyễn Văn Tiệp, ấp Xóm Chùa, xã An Phú, huyện Củ Chi. Mẹ Sen có 3 người con trai hy sinh. Đoàn hỏi thăm sức khỏe và trao những phần quà nho nhỏ để tỏ lòng tri ân với mẹ trong buổi gặp mặt. Mẹ hiện sống cùng người con út, vóc dáng, sức khỏe mẹ vẫn hãy còn an nhiên. Được biết, tại xã An Phú có 36 mẹ Việt Nam anh hùng, hiện còn sống 3 mẹ. Sau đó chúng tôi đi thăm địa đạo Bến Dược, thắp nén nhang nghiêng lòng trước tượng đài Hồ Chủ tịch cùng những anh linh vị quốc mà quyết tử cho nước non Lạc Hồng ca bài sum họp, vững bền.

Về nguồn đất thép Củ Chi, nắng vàng thơm trải dài trên con đường quê thanh bình. Mong những sáng tác hôm nay và mai sau của các nhà văn trẻ mãi ghi đậm dấu ấn anh hùng của những con người và vùng đất anh hùng.

Trần Huy Minh Phương

Tin cùng chuyên mục