Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam: Âm nhạc cao cấp phải bằng tiếng mẹ đẻ

Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam: Âm nhạc cao cấp phải bằng tiếng mẹ đẻ

Năm 2014, đánh dấu một bước ngoặt mới của nhạc sĩ Việt kiều Đức Nguyễn Công Phương Nam (Vincent Nguyễn - từng giành giải Cống hiến năm 2010 với album Li ti cùng ca sĩ Tùng Dương), khi anh đã thực hiện được ước mơ: mang âm nhạc của mình đến gần hơn với khán giả quê nhà. Sắp tới, anh sẽ ra mắt album hòa tấu piano - Thuyền viễn xứ, CD Đức Tuấn - Requiem, làm nhạc cho vở kịch Thiên Thiên của 2 đạo diễn Việt Linh, Phạm Hoàng Nam…

- Phóng viên: Năm 2007, anh về nước tham gia live show Tình ca hồng của nhạc sĩ Quốc Bảo, sau đó lại liên tiếp thực hiện những sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ Từ Hiền Trang, Lê Hiếu, Mỹ Lệ, Tùng Dương, Đoan Trang…, vậy anh có thể chia sẻ đôi điều về cơ duyên với âm nhạc quê nhà?

- Nhạc sĩ NGUYỄN CÔNG PHƯƠNG NAM: Sau thời gian du học, tôi vào chơi trong dàn nhạc big band của quân đội Đức, cuộc sống của tôi đã ổn định nên có điều kiện về Việt Nam thường xuyên hơn. Trước là để thăm ba tôi, sau là cũng muốn được chơi nhạc, được sản xuất, làm album cho những ca sĩ ở quê hương. Mặc dù sống xa quê hương nhưng tôi vẫn giữ liên lạc với các đồng nghiệp ở Việt Nam. Với tôi, âm nhạc cao cấp phải bằng tiếng mẹ đẻ.

- Requiem không phải là album đầu tiên của ca sĩ Đức Tuấn, trước đó anh ấy từng có nhiều sản phẩm kết hợp cùng các nhạc sĩ trong nước và đạt khá nhiều thành công. Anh có nhận xét gì về khả năng của Đức Tuấn?

Tôi có nghe và rất thích tư duy âm nhạc của Đức Trí cho bài Áo anh sứt chỉ đường tà cũng như cách phối dàn nhạc của Việt Anh trong các album trước của Đức Tuấn. Trong Requiem là sự xe duyên giữa nhạc thính phòng châu Âu và jazz - Broadway từ Mỹ. Đức Tuấn là người cầu tiến, có tài năng và có kỷ luật. Anh ấy đã chuẩn bị rất kỹ cho những buổi thu thanh tại Bonn (Đức), ngay sau khi anh ấy cất giọng hát những câu đầu tiên, các đồng nghiệp Đức trong studio đã quay nhìn tôi và gật đầu mỉm cười. Một chuyên gia phòng thu lão luyện với giải Grammy về thu âm như Klaus Genuit mà có biểu hiện lập tức như vậy là một điều hiếm. Không khí làm việc của chúng tôi lúc đó lập tức được cải thiện, thoải mái và tin tưởng lẫn nhau hơn. Sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa không còn là rào cản nữa. Tính dám nghĩ, dám quyết định và dám chơi tới cùng của Đức Tuấn làm tôi rất thích thú trong công việc.

- Đĩa nhạc lần này làm cả định dạng vinyl và bluray, vậy nó có khác gì, có cầu kỳ hơn về phần tiêu chuẩn mix, master so với những sản phẩm trước của anh?

Mastering cho vynil Requiem được thực hiện ở 24 bit chứ không đơn thuần là lấy bản master 16 bit của CD “độ” lên. Với bluray thì chúng tôi vui mừng được giới thiệu công nghệ Surround mới nhất, hiện vẫn chỉ có một số ít album trên thế giới được phát hành ở dạng này, công nghệ cho phép “cấy” từ stereo thành một hình thức surround, trong đó tuy chưa có cảm giác các nhạc cụ bao quanh mình và nêu rõ vị trí của chúng, nhưng âm thanh đầy đặn, bao trùm và rộng lớn hơn. Chất lượng âm thanh tuy ở thể digital nhưng độ phân giải hơn hẳn CD, ngang với super audio. Có một cái hay nữa là dễ sử dụng, có thể nghe bluray nhạc này bằng Playstation 3 và bất cứ máy đọc bluray nào, chứ không như super audio CD là phải sắm riêng loại đầu máy cho nó.

- Từng làm nhạc phim, vậy đã bao giờ anh thử sức với nhạc cho kịch sân khấu? Có điều gì khó khăn khi anh thực hiện phần nhạc cho vở kịch Thiên Thiên (sẽ công diễn tại TPHCM vào các ngày 14, 15 và 16-2 tới) của 2 đạo diễn Việt Linh, Phạm Hoàng Nam không?

Tôi đã từng viết nhạc cho một số vở kịch ở Đức từ thời sinh viên, kịch hài châm biếm có, kịch xã hội đều có... Các vở kịch ấy ngắn, vui nhộn, quy mô nhỏ hơn và về tầm vóc thì thua xa Thiên Thiên. Tuy nhiên, lần này làm nhạc cho Thiên Thiên tôi không hề thấy mình có khó khăn gì, trái lại còn rất hứng thú.

- Không có mặt cùng với ê kíp thực hiện vở kịch Thiên Thiên để ráp, chạy đường dây, vậy anh sẽ làm như thế nào để hoàn thành tốt phần công của mình? Âm nhạc mà anh viết cho vở kịch này sẽ mang phong cách gì?

Với khoa học công nghệ thông tin ngày nay, việc trao đổi được thực hiện dễ dàng qua viber, skype, email... nên không nhất thiết phải gặp mặt, thậm chí làm việc như vậy tôi còn thấy tránh được các buổi hẹn hò đi lại mất nhiều thời gian... Lúc đang theo đuổi, phôi thai các ý tưởng, nên tránh đi lại nhiều, dễ bị quên và mất mạch cảm xúc. Tôi cũng đã quen với kiểu làm việc độc lập như thế này. Quan trọng là thường xuyên liên lạc với nhau, tất cả những ý tưởng đều được làm demo kỹ càng, gửi cho cả ê kíp để cùng nghe và cùng định hướng... Với cách này tôi vẫn luôn hoàn thành các công việc bên Đức và nghĩ cũng sẽ làm tốt công việc của mình ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng hơi rất tiếc khi không được tham dự một số buổi tổng duyệt quan trọng. Trong các buổi ấy, nếu tôi được gần gũi và trao đổi với diễn viên, đạo diễn thì công việc sẽ dễ dàng hơn... Âm nhạc của Thiên Thiên sẽ đậm tính nhạc thính phòng, sang trọng, có kết hợp nhiều hiệu quả tiếng động, sound FX... và rất mang ngôn ngữ của nhạc phim.

- Cảm ơn và chúc anh thành công!

KHÁNH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục